Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78%
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, năm 2019, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với nước ta. Các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn... Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Về những kết quả nổi bật đã đạt được, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Chính phủ đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%. Về cơ bản, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn. Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực. Qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018.
Bên cạnh đó, các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm.
Thu giữ trên 6 tấn ma túy tổng hợp
Liên quan đến công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Bộ trưởng Công an cho biết, công tác này đã đạt được kết quả rõ nét, trong đó lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn (trên 6 tấn ma túy tổng hợp). Các lực lượng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là các giải pháp phòng chống oan, sai, bức cung, nhục hình. Công tác xử lý vi phạm hành chính cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2018...
“Kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019 đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, các tổ chức phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá, trong đó có cả hoạt động khủng bố manh động. Không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; tội phạm xâm hại trẻ em trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp, hoạt động “tín dụng đen”...
Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; thuế, hải quan; đầu tư, xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; công thương; y tế; giáo dục; bảo vệ môi trường còn diễn ra phức tạp. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia hoạt động mạnh, lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn, làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội. Tội phạm, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng...
Đáng chú ý, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra (87,4%/90%); một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp. Việc xử lý vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe; còn xảy ra một số vi phạm trong hoạt động điều tra. Đặc biệt, vi phạm hành chính diễn ra phổ biến trên một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Công tác quản lý cư trú, nhất là quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...
Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, xảo quyệt, với nhiều phương thức mới, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc. Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật...
Coi trọng công tác phòng ngừa tội phạm
Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 4-11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Năm 2020, trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tổ chức tốt công tác nắm, phân tích, dự báo sát tình hình thế giới, khu vực, kịp thời tham mưu đề xuất các các chủ trương, giải pháp góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước.
"Chính phủ đặc biệt coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân không làm phát sinh tội phạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, các lực lượng tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nổi lên; tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm giết người, mua bán người, xâm hại trẻ em; các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất hàng giả; tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, đánh bạc; tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường...; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm; thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý người nước ngoài, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật...
Nguồn: TTXVN