Bảo vệ nguồn nước khai thác và cấp nước ngọt mùa khô

09/11/2020 - 06:23

BDK - Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre có tỷ lệ cấp nước phục vụ cho 100% khu công nghiệp, 96% khu vực TP. Bến Tre, 60% thị trấn, thị tứ và nhiều khu dân cư trong tỉnh. Trong tình hình hạn mặn dự báo sẽ còn tiếp diễn, công ty đã sớm xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước khai thác và cấp nước ngọt trong mùa khô 2020-2021 và những năm tiếp theo.

Người dân Phú Túc (Châu Thành) sử dụng nước ngọt qua hệ thống lọc mặn RO.

Chủ động kịch bản ứng phó

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Nguyễn Thị Diễm Phượng cho biết, công ty xây dựng giải pháp cấp nước tại chỗ với 2 kịch bản ứng phó.

Kịch bản 1, mặn xâm nhập đến TP. Bến Tre, không xâm nhập sâu như năm 2019-2020, các điểm lấy nước của nhà máy nước (NMN) Sơn Đông (TP. Bến Tre), Hữu Định (Châu Thành), Lương Quới (Giồng Trôm) bị nhiễm mặn; Trạm bơm Cái Cỏ - NMN An Hiệp (Châu Thành) và Chợ Lách không mặn. Đối với kịch bản này, công ty ưu tiên nguồn nước ngọt từ thượng nguồn, xây dựng đập tạm ở hạ nguồn sông Ba Lai. Dự kiến xây dựng ở khu vực cầu Ba Lai cũ và đóng cống sông Mã.

 Khi vận hành được cống sông Mã hình thành khu vực nước kín từ phía hạ nguồn và mở từ thượng nguồn sẽ tạo nước ngọt bảo vệ nguồn nước ở NMN Sơn Đông, Hữu Định. Từ Trạm bơm Cái Cỏ sẽ bơm nước về cho NMN An Hiệp và NMN Sơn Đông xử lý. Công ty cũng dự kiến sẽ lấy thêm nguồn nước phụ trên sông Tiền dẫn vào sông Ba Lai đến rạch sông Mã theo kênh Xáng đến NMN Sơn Đông. Các NMN Hữu Định sẽ sử dụng nguồn nước thô Ba Lai; Lương Quới nguồn nước trên sông Hàm Luông và nước sạch từ TP. Bến Tre đưa về thông qua Trạm bơm tăng áp Chẹt Sậy với công suất khoảng 2.000m3/ngày đêm. NMN Chợ Lách sử dụng nước sông Tiền dẫn vào trạm nước thô Chợ Lách.

Kịch bản 2, nước mặn xâm nhập toàn tỉnh, tất cả các điểm lấy nước của các NMN thuộc công ty quản lý bị nhiễm mặn, công ty sẽ thực hiện như kịch bản 1. Đồng thời, tùy theo diễn biến mặn sẽ xin chủ trương UBND tỉnh cho đóng đập tạm Tân Phú, thực hiện hình thức thuê cừ thép. Đối với NMN Chợ Lách sẽ lựa chọn giải pháp vận chuyển nước ngọt thô bằng sà lan để NMN Chợ Lách xử lý và bơm cấp nước.

Ngoài ra, công ty thi công xong tuyến ống chuyển đổi nguồn nước tại NMN An Hiệp về Khu công nghiệp Giao Long; đầu tư thiết bị xử lý nước mặn RO công suất 3.000m3 đặt tại NMN Hữu Định, dự kiến hoàn thành cuối tháng 1-2021. Song song đó, công ty sẽ bám sát tình hình thực tế về diễn biến độ mặn để thực hiện phương án đầu tư trạm bơm nước thô và tuyến ống dẫn nước thô (khoảng 3,2km) từ sông thông lưu về NMN Chợ Lách khi huyện Chợ Lách đắp đập gần cầu Đình Bình Sơ để ngăn mặn.

Đảm bảo nguồn nước ngọt

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre hiện có 6 NMN, với tổng công suất 67.200m3/ngày đêm. Hiện nay, để có nguồn nước ngọt khai thác, công ty phải lệ thuộc vào tình hình thi công cống sông Mã và đập tạm ở Ba Lai do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Trước tình hình đó, công ty đã đặt ra tình huống xấu nhất để đề ra giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt.

Nếu cống sông Mã không hoàn thành kịp so với tình hình xâm nhập mặn, công ty tiến hành ngăn tạm cửa cống. Trường hợp đập tạm Ba Lai chưa xong, đơn vị sẽ vận hành NMN Hữu Định với hệ thống RO, kết hợp mua nước sạch Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại N.I.D (Khu công nghiệp Giao Long). Đối với NMN An Hiệp sẽ vận hành ở chế độ tăng cường để bổ sung nước ngọt. Trường hợp thiếu nước trong khu vực trữ nước hay ô nhiễm nguồn nước trong khu vực trữ không thể khai thác sẽ tiến hành mua nước vận chuyển bằng sà lan.

Được biết, công ty đang khẩn trương thực hiện các giải pháp công trình để ứng phó hạn mặn những năm tới. Công ty phối hợp với ngành liên quan tiếp cận số liệu quan trắc hiện có của tỉnh. Đồng thời, sẽ lắp đặt điểm quan trắc online ở vị trí xa hơn trên sông Tiền, khu vực An Hóa để chủ động trong công tác ứng phó. Ngoài ra, tìm kiếm đối tác trao đổi phương án vận chuyển nước thô để không bị động khi tình huống xâm nhập mặn xấu nhất xảy ra. Dài hạn từ năm 2022 trở về sau, UBND tỉnh đã cho chủ trương công ty tiếp cận với dự án trạm bơm nước thô Cái Bè do nhà đầu tư Công ty cổ phần đầu tư ngành nước DNP.

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, nếu dự án hoàn thành theo dự kiến (năm 2022), công ty sẽ tiếp nhận nước thô cho 4 NMN: Sơn Đông, An Hiệp, Hữu Định, Chợ Lách. Phương án mùa khô tiếp nhận 100% công suất các NMN; mùa mưa tiếp nhận 50% công suất ở năm đầu tiên và tăng dần trong 5 năm. Chi phí ước tính khoảng 53 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Trường hợp dự án không thực hiện được, công ty sẽ tiếp tục thực hiện theo kịch bản 1, kịch bản 2 của mùa khô 2020-2021 đối với khu vực TP. Bến Tre, huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc. Khu vực Giồng Trôm, công ty sẽ tự đầu tư hệ thống RO tại NMN Lương Quới; tìm nguồn nước, vị trí thích hợp sau khi cống Trung Nhuận, cống Xẻo Rắn hoàn thành để khai thác, xử lý. Đầu tư trạm bơm và dẫn nước từ khu vực trữ nước ngọt của huyện về NMN nước Chợ Lách để xử lý cung cấp khu vực huyện này.

Nhằm đảm bảo nước ngọt cho mùa khô 2020-2021, tỉnh đã đề ra nhiều phương án, trong đó có việc thực hiện các thủ tục để xây dựng trạm bơm nước thô chuyển tải nước từ Cái Bè (Tiền Giang) về Bến Tre cung cấp cho người dân là chiến lược nhất. Trước đó, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác, cũng như chỉ đạo sở, ngành liên quan tích cực phối hợp với các ngành của tỉnh Tiền Giang, Long An và Công ty cổ phần Đầu tư ngành nước DNP tổ chức triển khai thực hiện dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải”.

Từ tháng 5-2020, 3 tỉnh thành lập nhóm công tác do tỉnh Tiền Giang làm tổ trưởng đã có văn bản trình Chính phủ xin ý kiến về việc thực hiện trạm bơm nước thô. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các bộ, ngành. Ý kiến các bộ, ngành cho rằng, việc cấp nước ngọt cho 3 tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện rất nhiều khó khăn. Theo quy hoạch cấp nước đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh thuộc vùng 2 phải cấp nước theo đường ống nước sạch từ Mang Thít (Vĩnh Long) đi qua. Thực hiện trạm bơm nước thô Cái Bè và vận chuyển nước thô là cấp nước vùng 1, sai quy hoạch. Để giải quyết vấn đề này, 3 tỉnh đã kiến nghị Trung ương cho triển khai dự án trạm bơm kết hợp thay đổi quy hoạch song song. Đến nay, Chính phủ chưa cho ý kiến về dự án.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN