Bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát. Chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học. Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản, tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.
Hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản được triển khai hiệu quả; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản để tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia. Hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (thảm cỏ biển, rạn san hô...) được triển khai hiệu quả.
100% cán bộ, công chức, viên chức lĩnh vực thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30-50% ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được tập huấn, phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản.
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu, từng bước xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất thải, rác thải trong các hoạt động khai thác thủy sản trên biển; hoạt động tại cảng cá; vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở, hộ gia đình thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Tin, ảnh: Cẩm Trúc