Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

22/11/2017 - 08:04
Bộ nhạc cụ Hát sắc bùa Phú Lễ được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Bảo tàng Bến Tre qua 36 năm hoạt động (thành lập ngày 26-10-1981) đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh mang giá trị lịch sử văn hóa về đất và người Bến Tre qua nhiều giai đoạn. Không chỉ thực hiện công tác bảo tồn lưu giữ, Bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu rộng rãi đến công chúng biết đến ý nghĩa, giá trị của các hiện vật, hình ảnh ấy; trong đó có các hiện vật, hình ảnh lĩnh vực di sản văn hóa (DSVH).

Bảo tồn, quảng bá các di sản văn hóa

Bến Tre có một kho tàng phong phú về DSVH phi vật thể và DSVH vật thể, ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa và phản ánh đời sống, tinh thần của người Bến Tre trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Có thể kể đến những DSVH được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh như: Lễ hội nghinh ông Bình Thắng, Hát sắc bùa Phú Lễ, Bộ dụng cụ hát sắc bùa, 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Di tích truyền thống Đồng Khởi và Di tích Mộ và khu lưu niệm Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), 15 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, Chùa Tuyên Linh, Mộ và đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng…), 37 di tích cấp tỉnh, Nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương Bến Tre…

Trình diễn Hát sắc bùa Phú Lễ nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam tại Nhà dừa.

Với các di tích, tỉnh đã thành lập hệ thống quản lý di tích và tổ chức công tác quản lý, chăm sóc di tích; đón tiếp, phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu. Riêng tại Bảo tàng Bến Tre cũng đã lưu giữ những hình ảnh toàn bộ các di tích của tỉnh để phục vụ giới thiệu tại Bảo tàng. Không chỉ trưng bày cố định, Bảo tàng còn phối hợp tổ chức trưng bày theo chuyên đề và trưng bày lưu động tại nhiều địa phương và các trường học trong tỉnh; xuất bản nhiều tập sách giới thiệu đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh về DSVH như “DSVH phi vật thể tỉnh Bến Tre”, “Di tích lịch sử văn hóa tỉnh Bến Tre”… Bên cạnh đó, Bảo tàng phối hợp với Hội DSVH tỉnh và các câu lạc bộ đờn ca tài tử tổ chức giao lưu đờn ca tài tử định kỳ mỗi tháng, thu hút đông đảo người tham dự.

Trưng bày bộ nhạc cụ hát sắc bùa Phú Lễ

Bảo tàng tỉnh đang bảo tồn một bộ nhạc cụ sử dụng trong Hát sắc bùa Phú Lễ (sưu tầm từ một số nghệ nhân ở xã Phú Lễ - Ba Tri) và sẽ được mang trưng bày trong dịp lễ kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam tới đây. Bộ nhạc cụ gồm 4 món chính: Đờn cò, Trống cơm, Sanh tiền và Sanh cái (trong đội có thể có nhiều người cùng sử dụng nhạc cụ Sanh tiền và Sanh cái để phụ họa). Bảo tàng cũng đã phối hợp với Hội DSVH tỉnh xây dựng một đội Hát sắc bùa Phú Lễ và thường xuyên tham gia trình diễn ở nhiều cuộc giao lưu trong và ngoài tỉnh.

Ông Phạm Thanh Lâm - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, trong dịp kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam lần thứ XIII - 2017 (ngày 23-11-2017), Bảo tàng sẽ tổ chức một số hoạt động trưng bày hình ảnh, hiện vật với chuyên đề “Bến Tre - Những DSVH” tại sảnh Nhà thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh nhằm quảng bá, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, du khách gần xa những DSVH của đất nước và của tỉnh, nêu cao ý nghĩa việc giữ gìn và phát huy những DSVH của nhân loại. Trong đó, có triển lãm 24 ảnh về DSVH Việt Nam được UNESCO vinh danh như: Quần thể danh thắng Tràng An, Di tích Thành Nhà Hồ, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên… Đặc biệt là trưng bày 56 hình ảnh, hiện vật về DSVH Bến Tre được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Bảo tàng dự kiến sẽ tổ chức chương trình lễ kỷ niệm Ngày DSVH Việt Nam vào chiều tối 23-11-2017 tại Nhà bảo tàng. Ngoài diễn văn ôn lại ý nghĩa Ngày DSVH Việt Nam, còn có chương trình trình diễn nghệ thuật văn hóa truyền thống, dân gian như: hát sắc bùa Phú Lễ, diễn trích đoạn cải lương, trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử và trình diễn nhạc cụ dừa.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN