Báo Đồng Khởi cho tôi những tháng ngày không trống rỗng…

09/11/2021 - 18:06

BDK.VN - Bà Trần Bình Nguyên, người bạn đời của nhà báo Huỳnh Năm Thông năm nay đã 89 tuổi. Qua điện thoại, chúng tôi hình dung bà là người vui tính, lạc quan. Khi tôi hỏi tai còn nghe có rõ không, giọng hóm hỉnh bà trả lời: “Tuổi già của bác không làm gì nổi nữa, lại suy tim độ 3, chỉ còn cái đầu là không quên thôi…”.

Bà Trần Bình Nguyên trong một lần về Bến Tre. Ảnh: CTV

Duyên nợ vợ chồng

Bà Trần Bình Nguyên sinh ra và lớn lên tại Cần Thơ. Cơ duyên đã đưa bà gặp gỡ nhà báo Huỳnh Năm Thông tại tỉnh Long Châu Hà (một tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên hợp nhất với tỉnh Hà Tiên).

Sống trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bà Trần Bình Nguyên đã sớm thoát ly theo cách mạng từ năm 11 tuổi, khi mới bước qua lớp 5 trường quận. “Tôi đang học ở trường thì được người ta cho hay giặc bắt bà nội và mẹ tôi đem chôn sống. Nghe tin, tôi bỏ trường, bỏ giày dép ra đi. Sau 4 - 5 ngày đi, tôi gặp bộ đội từ miền Bắc vô miền Nam tuyển quân. Họ đã cứu tôi”. Hơn 14 tuổi, vì còn quá nhỏ, bà Nguyên chưa được “ra trận”. Bà được người chú Út (chú ruột) là Trưởng ban Tuyên huấn của tỉnh Long Châu Hà đưa về đây tham gia Đội Thanh niên cứu quốc.

Theo lời kể của bà Trần Bình Nguyên, ông Huỳnh Năm Thông thoát ly gia đình theo cách mạng khoảng năm 1947. Khi ấy tỉnh Bến Tre “mất tỉnh”, ông Năm Thông phải lưu lạc qua tỉnh khác như Rạch Giá, Long Xuyên mới gặp chú Út của bà là Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Long Châu Hà. “Chúng tôi cùng tham gia chiến trận ở Lương Phi (làng Lương Phi tại tỉnh An Giang). Tôi chỉ biết ông ấy là lính của chú Út tôi chứ chưa quen biết gì nhau”. Bà Trần Bình Nguyên rất thích nhạc, bà từng tham gia đoàn văn công và biết thổi kèn Harmonica. Ông Năm Thông thì biết chơi đàn Mandolin. Từ sở thích đó, hai người mới quen nhau vào năm 1951.

Vào cuối năm 1954, vừa đình chiến, bà Trần Bình Nguyên đã kết duyên cùng ông Huỳnh Năm Thông như lời hẹn ước. “Hôn lễ diễn ra tại tỉnh Long Châu Hà, trong một góc nhỏ, bên gia đình tôi có cha mẹ tôi, bên ông ấy có một người đi theo, tiệc cưới mần có 1 con gà…”.

Xây dựng Báo Chiến Thắng

Năm 1956, người con đầu tiên của ông bà Năm Thông là Huỳnh Trường Thắng, mất khi được 9 tháng tuổi. “Tôi đang bồng con về Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang thì Hà Nội gửi vào 3 cán bộ. Chúng tôi được lệnh phải bảo vệ 3 vị cán bộ này. Trường Thắng 9 tháng tuổi bị sưng phổi cấp tính. Tôi không thể đi bộ xuống chân núi Hòn Đất để mua thuốc vì sợ giặc phát hiện. Tới 2 giờ 30 phút, con tôi mất. Xác con để đó đến 2 ngày, sau khi 3 người cán bộ được ghe biển từ Phú Quốc vô tới chân Hòn Đất đưa đi thì tôi mới chôn xác con và trở về Bến Tre”.

24 ngày sau khi con mất, bà Năm Thông biết mình đã cấn bầu đứa con thứ hai, cùng lúc này bà nhận tin ông Huỳnh Năm Thông bị bắt. “Ông ấy là người giản dị, giỏi văn ngữ. Làm báo tại Long Châu Hà, rồi tiếp tục về Khu 8 làm báo. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông trở về quê Bến Tre làm Báo Chiến Thắng. Chồng tôi là người luôn yêu quý con đường văn học nghệ thuật. Nhưng cuộc đời ông ấy còn phải trải qua những chặng đường gian nan khác. Đó là vào năm 1956, ông bị bắt. Giặc đánh ông gãy xương sườn, sụp xương đầu…”.

Thời gian chồng ở tù, bà Năm Thông ở nhà chồng, tại Ấp 10, xã Tân Thành Bình (nay thuộc huyện Mỏ Cày Bắc) cho tới khi sinh đứa con trai thứ hai là Huỳnh Trường Minh (nay 65 tuổi). Bà Năm Thông vừa nuôi con, vừa vận động địa phương chuẩn bị phong trào Đồng khởi. Bà tham gia phong trào Đồng khởi năm 1960, đánh đồn bót, xây dựng cơ sở địa phương.

Ông Huỳnh Năm Thông ở tù 7 năm, từ năm 1956 mãi tới cuối tháng 10 (âm lịch) năm 1962, ông trở về. “Chồng tôi được về vì trao đổi lộn tên, chứ không phải được thả. Kể từ ngày đó, ông đã góp công xây dựng Báo Chiến Thắng hoạt động mạnh lên”.

Năm 1963, bà Năm Thông phải chuyển về TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị tổ chức, xây dựng lực lượng để đến Xuân Mậu Thân 1968 đánh cướp khám Chí Hòa. Lúc này, bà nhận nhiệm vụ công tác thành.

Hướng về Bến Tre

 “Hai bác sống với nhau chỉ có một tâm niệm, đời ta sống với nhau nếu chưa ngừng thở thì đi tiếp tục và chỉ có đi một con đường, không sang ngang, không bỏ cuộc. Từ năm 1954, 20 năm kể từ khi lấy nhau cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, hai bác gặp nhau được 171 ngày, chưa từng to tiếng, yêu thương nhau thì có, chứ giận nhau thì không”, bà Năm Thông bộc bạch. 

Sau năm 1975, bà công tác tại TP. Hồ Chí Minh. Các con được bà nuôi dưỡng và cho ăn học tại TP. Hồ Chí Minh. “Cứ thứ Bảy cuối tuần là tôi đi làm về, bắc nồi cơm lên rồi kêu các con chờ cơm chín ăn. Còn tôi chạy xe máy về Bến Tre với ông ấy. Sáng thứ Hai, 2 giờ 30, tôi lại chạy xe lên TP. Hồ Chí Minh để vào làm việc”.

Phần tuổi xế chiều khi ông bà về hưu, bà Năm Thông không kể hết, nhưng từ những người quen biết và từng sống chung trong nhà với ông bà cho hay, bà đã về quê xã Tân Thành Bình và sống cùng ông cho tới những năm cuối đời ông. Vào một ngày, ông 78 tuổi, vẫn đang khỏe mạnh, ông chạy xe về tới chiếc cầu dây gần nhà, một cơn mệt đã làm ông ngừng xe, ngồi xuống đường, ông đột quỵ mất vào năm 2008. Ngôi nhà chỉ còn bà Năm Thông. Sau đó, bà cũng về TP. Hồ Chí Minh sống cùng con gái, con rể và cháu ngoại cho đến nay.

 “Những con đường tôi đã đi qua, những chiến trường tôi đã tham gia ở Bến Tre nay thay đổi như thế nào, tôi muốn biết, nhưng không về quê được. Tôi cầm tờ Báo Đồng Khởi đọc để thấy được quê hương mình cây xanh tới đâu, nước nổi tới đâu, những mảnh đất đã được canh tác ra sao, vùng chợ, vùng nông thôn bà con mình còn quần xắn khỏi đầu gối nữa hay không! Do đó, tôi rất cần, rất quý tờ Báo Đồng Khởi để tìm hiểu địa phương mình. Tờ báo cho tôi những ngày tháng không trống rỗng…”.

Hơn chục năm nay, kể từ khi lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống, bà Năm Thông vẫn dõi theo quê hương Bến Tre qua Báo Đồng Khởi do bộ phận phát hành vẫn đều đặn gửi. Chỉ có thời gian giãn cách xã hội từ tháng 7 đến tháng 9-2021 là bà chưa nhận được Báo Đồng Khởi do Bưu điện không thể phát đến tận nhà.

Với bà Năm Thông, dù sống xa quê nhưng Bến Tre mãi trong trái tim bà.

Bà Trần Bình Nguyên năm nay 89 tuổi, là vợ nhà báo Huỳnh Năm Thông. Bà hiện đang sống tại nhà con gái Huỳnh Kiều Nguyên, Quận 2 (nay là TP. Thủ Đức), TP. Hồ Chí Minh. Trong các con của ông Huỳnh Năm Thông, con lớn Huỳnh Trường Minh từng giảng dạy ở Trường Đảng tại Hậu Giang nay đã nghỉ hưu. Con gái Huỳnh Kiều Nguyên công tác ngành ngân hàng và có bằng Tiến sĩ. Con trai út là Huỳnh Trường Tâm là kỹ sư điện đang làm việc tại tỉnh Bình Dương.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN