An Thủy là xã vùng xa của huyện Ba Tri, với nghề sống chủ yếu là đánh bắt thủy sản. Tôi đến UBND xã vào một trưa của những ngày tháng ba oi ả. Ngồi trầm ngâm với ông Chủ tịch xã Trần Nguyên Phấn, tôi mới hay ngư dân vùng này ngày càng mở ra nhiều tàu thuyền khai thác cá tôm. Ông Phấn thuộc nằm lòng con số 520 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn và nhiều tàu khác có công suất từ 90 cv trở lại.
Miếng cơm trên biển
Nghề biển mang lại cho ngư dân những lợi nhuận mà không ai tính trước được. Nhẩm trong đầu, Chủ tịch Phấn nói, từ ngày có chủ trương cải hoán tàu thuyền, bà con đi xa nhiều lắm. Cứ vào mùa, tất cả ghe tàu chuyển cửa sang thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau để đánh bắt. Kéo theo đó là tình trạng học sinh bỏ học để đi theo tàu cá. Cứ 3 em, thì có 2 em ở lại xã nhà đi học, còn một em kia phải theo cha mẹ đi đánh bắt xa nhà. Tập trung nhiều nhất là ở các ấp: An Thuận, An Thới, An Thạnh. Bởi những ấp này có nhiều ghe tàu. Bà con mình cũng đâu có nghề gì khác, ngoài cái nghề khai thác biển. Có người không có đến một cái nền nhà để ở. Mỗi năm, họ xin phép tạm vắng, rồi ra ra, vào vào Cà Mau - Tiệm Tôm, Tiệm Tôm - Cà Mau như người ta đi chợ. Con cái của họ được sinh ra và lớn lên cũng từ những chiếc ghe tàu đó, mấy khi nó được ở trong bờ…Đã vậy, có nhiều em học tới lớp sáu, lớp bảy rồi, nhưng lại “chán học”, để ở nhà đi làm “bạn” cho tàu cá (nghề biển gọi người làm thuê là “bạn” –NV). Thu nhập của các em từ công việc nấu cơm, nấu nước uống, lấy thuốc hút cho các anh, các chú… ở trên tàu, mỗi ngày được hưởng vài chục ngàn đồng tiền công. Cũng có em lựa được cá, hoặc lái được ghe, thì chủ cho ăn chia, với mức một phân. Có nghĩa là sau khi trừ tất cả các khoản chi phí nhiên liệu, tài công, sửa chữa… còn lại bao nhiêu tiền, thì mỗi em được hưởng một phần mười số tiền còn lại đó. Tính ra, cũng khoảng hơn kém một triệu đồng/tháng/em. Vậy rồi ham, rồi bỏ học để đi làm kiếm tiền. Tỷ lệ bỏ học của xã là 2,6%. Con số này tính ra cũng còn cứu vãn được tình thế, bởi những nỗ lực đáng kể của chính quyền địa phương. Cứ canh chừng, gió Nam thoang thoảng, thì lớp phổ cập của xã bắt tay vào hoạt động, rước các em vào để dạy học cho các em chương trình phổ cập. Nỗ lực rất lớn của chính quyền nơi đây là duy trì thành quả phổ cập trung học cơ sở, ở tỷ lệ tốt nghiệp đạt 83%. Còn giải pháp phòng chống trẻ em lao động sớm, lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì… đang còn bỏ ngỏ. Tình trạng trẻ em lao động sớm không phải chỉ tại nhà nghèo, mà có những em là con nhà khá giả. Nhiều hộ gia đình nhờ làm ăn có tính toán, ky cóp được tiền, “nở” thêm ghe mới. Người cha cầm lái một chiếc ghe. Chiếc ghe còn lại, mặc dù có thuê người lái, cha mẹ trẻ vẫn muốn chính con trai của mình là người chủ tập sự của món tài sản quí giá của gia đình. Thêm một em trai vào nghề nặng nhọc, nguy hiểm!
Chưa có nhận thức đúng về lao động nặng nhọc, nguy hiểm của trẻ em
Tiếp xúc vài hộ trong số hàng trăm hộ có trẻ em lao động sớm, chúng tôi ghi nhận một điều, bản thân những người làm cha mẹ đều rất thương con, nhưng họ không thể ôm con ngồi nghe bụng đói. Chị X nói rằng, vẫn biết cho con đi làm sớm thì tội nghiệp cho nó, nhưng nhà nghèo quá, nó đi làm hụ hợ cha nó, cũng kiếm thêm được chút đỉnh tiền. Còn chị M, thì nói rằng, sợ con ở trên bờ lêu lổng, sa vào này nọ theo lời rủ rê của bè bạn, nên cho nó theo cha để được kềm cặp, chủ yếu là dạy nó mần ăn…Tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc đều không hiểu rằng có những qui định của pháp luật cấm trẻ em lao động sớm, nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Cho đến nay, sau gần 5 năm thực hiện đề án ngăn ngừa trẻ em lao động sớm, nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, tại xã vùng quê xa xôi An Thủy vẫn chưa có sự nhận thức tích cực trong nhân dân. Đem vấn đề này trao đổi với Phó Chủ tịch xã - ông Đặng Tấn Công, được biết, huyện có chỉ đạo và xã cũng tuyên truyền lồng ghép đến tổ nhân dân tự quản, nhưng dường như cách tuyên truyền suông như vậy chưa đánh động tới người dân. Thật ra, có những gia đình rất hiểu và đồng tình cao với Nhà nước, nhưng họ vẫn có ước mong có những lớp học nghề nào đó cho con họ được học, để có nghề nghiệp ổn định sau này. Những nghề nghiệp mà con cái họ muốn học phải là những ngành nghề hữu dụng, thiết thực, nhưng phải dạy tại chỗ, và có cái gì đó… trong bụng con cái mình.
Thay lời kết
Rõ ràng rằng, người dân An Thủy cho con làm nghề nguy hiểm, trái với qui định chung của pháp luật, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn trẻ em, không phải em nào cũng ham đi biển. Bởi nếu như vậy, thì không có em run sợ khi nhắc đến bão. Khi hồi tưởng lại những trận giông to, gió cả, có em không giấu được nỗi kinh hoàng, và nói rằng: Con xin chủ tàu thuê tàu khác đưa con vô bờ trước. Nghe tới đó, người viết không khỏi chạnh lòng khi tiếc rằng… đó chỉ là ước muốn của riêng trẻ em làm thuê kiếm sống. Thăm dò ý kiến của một số chức danh quan trọng trong bộ máy lãnh đạo địa phương, về những dự định tương lai của xứ sở thủy sản kèm du lịch Cồn Hố, chúng tôi được biết, nếu có nhiều lớp học về điện cơ, điện lạnh, động cơ máy nổ, hay dịch vụ du lịch biển… chẳng hạn, chắc hẳn sẽ thu hút được các em tham gia học và tích cực tìm kiếm việc làm. Đó cũng là cách hạn chế dần nạn trẻ em lao động sớm, trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm.