Việc bàn về công tác cán bộ, nhất là nhân sự được bầu, bổ nhiệm vào cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp không phải là “đặc quyền” của bộ phận phụ trách tổ chức, mà luôn được trưng cầu ý dân và xem trọng các ý kiến đóng góp của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, người có chức có quyền có liên quan trực tiếp đến sự trao đổi và thực thi chủ trương, chính sách làm cho mức sống người dân đi lên hay “giậm chân tại chỗ”, chén cơm gia đình đầy hay vơi. Cán bộ quan trọng như vậy, làm sao người dân không quan tâm!
Trong hệ thống chính trị, cán bộ là yếu tố quan trọng, là khâu quyết định sự thành công của cách mạng, đưa nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống đạt hiệu quả. Cán bộ giỏi thì Đảng tin tưởng, dân được nhờ, uy tín của bộ máy Nhà nước được khẳng định. Cán bộ dở, cán bộ “xấu” vì mất phẩm chất thì Đảng kiểm điểm, xử lý, song nguy hiểm nhất là sự giảm lòng tin, thậm chí phải nhận sự oán trách của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Xét theo quan điểm biện chứng và quan điểm phát triển thì khi cách mạng chuyển giai đoạn, đường lối, nhiệm vụ chính trị thay đổi thì đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ cũng cần phải đổi mới. Ngay đầu thế kỷ XXI, khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiêu chuẩn “vừa hồng, vừa chuyên” đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, gắn tuyển chọn, sử dụng cán bộ với khâu qui hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã nêu rõ yêu cầu, “đến năm 2005, phần lớn cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên học xong chương trình cao cấp lý luận và có trình độ đại học về một chuyên ngành nhất định”.
Soi lại gần 10 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện khá tốt Nghị quyết 42 của Bộ Chính trị “Về công tác qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết 11 “Về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”. Nguyên tắc, phương châm, qui trình qui hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ được quán triệt sâu rộng, tạo cơ sở đưa đi đào tạo hơn 1.000 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, thành phố và tương đương về lý luận chính trị trình độ cao cấp, cao học. Cùng với công tác qui hoạch, đào tạo, công tác luân chuyển cán bộ góp phần giải quyết tình hình hụt hẫng cán bộ quản lý chủ chốt tại một số địa phương, nhất là tuyến cơ sở. Cán bộ được luân chuyển đa số phát huy năng lực, uy tín, có chiều hướng phát triển tốt. Công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ gần 10 năm qua tại địa phương góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị, đánh giá và giới thiệu nguồn nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp. Tuy vậy, tại một hội nghị quan trọng tổng kết về công tác cán bộ (qui hoạch, luân chuyển…) do Tỉnh ủy tổ chức vào trung tuần tháng 9 vừa qua, nhiều khâu yếu và nhiều vấn đề tế nhị được các đại biểu thẳng thắn nêu lên, phân tích trước yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới công tác cán bộ.
Trước hết là sự hụt hẫng về độ tuổi cán bộ nguồn vào Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện và Trưởng, Phó cán bộ sở, ban ngành. Tuổi đời bình quân, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào qui hoạch chưa được cải thiện bao nhiêu. Cán bộ qui hoạch tuổi trên 50 đều tăng khi so sánh giữa hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2005-2010. Vẫn còn một tỷ lệ đáng kể (18%) cán bộ qui hoạch vào ban chấp hành đảng bộ huyện, thành phố chưa đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị theo yêu cầu. Do vậy, vẫn tồn tại một thực tế: nhiều cán bộ được bầu vào chức danh lãnh đạo rồi mới đi học cho đạt “chuẩn”. Lại có trường hợp luân chuyển cán bộ “lòng vòng” vì thiếu “chuẩn” về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp vị trí, chức danh qui hoạch. Tại cơ sở, vẫn còn biểu hiện của tình trạng cục bộ, “khép kín”, chủ quan trong công tác qui hoạch, luân chuyển cán bộ. Nhiều vấn đề “nhạy cảm” của sức khỏe cán bộ, môi trường và chế độ chính sách, năng lực thực tiễn của cán bộ trong diện qui hoạch, luân chuyển được hội nghị bàn luận, trao đổi, phân tích, đúc kết kinh nghiệm và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị…
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 10, 20 năm tới coi việc xây dựng và thực hiện chiến lược về con người là khâu đột phá. Trong đó, công tác cán bộ được đặt lên hàng đầu. Đảng, Nhà nước, nhân dân cần người cán bộ tài giỏi để làm việc nước hiệu quả. Không thể để kéo dài tình trạng “sống lâu lên lão làng”, “ham quyền cố vị” tồn tại trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã nhấn mạnh: Đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác cán bộ. Chủ động tạo nguồn cán bộ kế thừa, cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Thường xuyên đánh giá, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, mạnh dạn thay đổi cán bộ yếu kém không có khả năng khắc phục.
Làm công tác cán bộ nói chung và thực hiện công tác qui hoạch, luân chuyển cán bộ nói riêng là việc trọng đại có ý nghĩa thực tiễn trước mắt và lâu dài. Ngoài trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, thì vai trò cán bộ tổ chức, bộ phận nội vụ rất quan trọng. Đổi mới công tác cán bộ bắt đầu từ đổi mới tư duy lý luận theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Tính giai cấp, tính khoa học, tính thực tiễn, tính kế thừa và phát triển là những yêu cầu tiên quyết khi thực hiện qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan Đảng, chính quyền cho nhiệm kỳ 2015-2020 ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2010-2015. Phương châm hành động của tỉnh là: thực hiện đồng bộ về công tác cán bộ, trong đó đánh giá cán bộ là tiền đề, qui hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá. Cán bộ phải đạt chuẩn của từng chức danh mới giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý.