Sinh ra trong gia đình nông dân ở ấp Quí Lợi, xã Quới Điền (nay thuộc xã Hòa Lợi, Thạnh Phú), Nguyễn Văn Lý đã sớm ý thức được sự khốc liệt của chiến tranh. Khi 13 tuổi, anh đã phải nếm trải niềm đau thương, uất hận của một gia đình có mẹ bị tù đày vì tham gia lãnh đạo đấu tranh giao liên công khai. Thương mẹ, hận kẻ gây cảnh giết chóc, Lý quyết định tòng quân khi anh tròn 20 tuổi (năm 1961). Được trực tiếp cầm súng đánh đuổi quân thù, anh Nguyễn Văn Lý thể hiện bản lĩnh của mình trong từng trận địa. Dù khó khăn, phức tạp, thậm chí cận kề với cái chết, anh vẫn luôn thể hiện được khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, bản lĩnh anh bộ đội giải phóng.
Trung đội Cánh 1, C66 và C61 Cục Hậu cần Miền – đơn vị Lý đóng quân có nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ đoàn vận tải bằng xe bò, từ Bình Dương về chiến khu D. Hàng đêm, các anh phải đối mặt với địch, chiến đấu để bảo vệ kho dự trữ lương thực, thực phẩm và hàng chiến lược để cung cấp cho chiến trường và trang bị cho đơn vị. Các anh luôn đứng giữa lằn ranh sống chết. Theo ông Nguyễn Văn Nhớ và ông Nguyễn Văn Bên đều từng là Trung đội trưởng Trung Đội Cánh 1, Lý tham gia các trận đánh, rất kiên cường, dũng cảm, luôn được đồng đội tin yêu, mến phục.
Hành động anh hùng của anh Nguyễn Văn Lý được thể hiện qua từng trận đánh, dù lớn hay nhỏ. Có thể đơn cử như trận đánh tại Hàm Nhật (xã Bình Mỹ, Tân Uyên, Bình Dương). Quyết tâm chặn tuyến đường số 16 không cho đoàn vận tải lương thực của ta đi qua, địch đưa lính bộ binh và xe tăng xuống hầm phục kích. Lúc bấy giờ, Nguyễn Văn Lý là Tiểu đội trưởng phụ trách tổ 3 người. Ông Nguyễn Văn Nhớ nhớ lại: Lúc đó trời mưa, nhưng Lý vẫn xung phong bò vào căn cứ đánh xe tăng Mỹ. Suốt 2 tiếng đồng hồ, anh ôm mìn DH-10 bò lê từng mét áp sát địch. Khi thấy Lý bò trở ra, các đồng chí trong tổ định cho châm điện nhưng anh Lý đề nghị Ban Chỉ huy cho anh bò vào lần nữa để chỉnh lại 2 quả mìn. Lý do, khi vào công sự của địch, anh phát hiện có 2 hầm, mỗi hầm có 1 xe tăng. Nếu 2 quả mìn chỉ ở 1 hầm như đã đặt thì không tiêu diệt hết được. Biết rằng rất nguy hiểm khi trở lại, nhưng Lý vẫn nhất định bò vào lần 2. Lần này, anh mang thêm 6 quả lựu đạn, vừa điều chỉnh mỗi hầm 1 quả mìn đồng thời đặt thêm mỗi bên 3 quả lựu đạn nữa. Trận đánh thành công, 2 xe tăng tan tành và tiêu diệt được 31 lính bộ binh Mỹ.
Còn trận đánh tại Suối Ngang, cũng ở xã Bình Mỹ, địch đã phát hiện vùng kho lương thực của ta – nơi có một số đồng chí trong đơn vị của Lý đang chốt giữ. Trước tình thế đầy khó khăn, Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Lý xin ý kiến Ban Chỉ huy cho tổ của anh thay thế chốt giữ. Chỉ huy không đồng ý, bởi trận đánh ở Bào LeLe trước đó, trong tình huống bức bách, anh đặt mìn ngay trước miệng hầm công sự của anh và đồng đội đang nấp. Anh phải châm điện ngay khi vừa thụt xuống hầm. Trận đó đã tiêu diệt 28 tên địch, nhưng bản thân anh bị ra máu lỗ tai rất nhiều. Bây giờ ở trận đánh này anh lại xung phong trong khi vết thương vẫn chưa lành. Dù chỉ huy không đồng ý, nhưng anh Lý vẫn cương quyết và tiếp tục đề nghị để tổ của anh chốt thay giữ kho. Vì anh biết, tình huống này không phải dễ với những anh em chưa có nhiều kinh nghiệm. Với nhiều lý do được đưa ra, cuối cùng anh cũng thuyết phục được chỉ huy. Anh Lý và đồng đội dùng 3 quả mìn đặt trước cửa kho sẵn sàng tư thế chiến đấu. Lúc này quân Mỹ dùng 4 xe Reo và bộ binh chạy thẳng vào khu vực kho lương thực. Chờ đoàn xe và bộ binh tiến đến cách khoảng 10m, anh châm điện mìn nổ và ra lệnh cho tổ nổ súng bắn vào quân địch. Kết quả diệt gọn 4 xe Reo và làm chết 38 tên địch.
Trận đánh tại ấp Bào Chủ, xã Bình Mỹ, được thực hiện trong lúc đi tuần tra, tổ của Lý phát hiện quân địch đang tiến vào gần vùng kho lương thực. Sau khi ra lệnh cho anh em trong tổ ở lại để nắm tình hình địch, anh Lý chạy về đơn vị lấy mìn. Anh bám sát nơi địch đang nghỉ chân và đặt mìn cách đó khoảng 15 mét, kéo dây điện đến vị trí trú ẩn. Trong lúc loay hoay, bất ngờ kíp văng ra khỏi mìn làm nổ kíp. Địch xôn xao, không định hướng được tiếng nổ phát ra từ đâu. Bị lộ, sợ nguy hiểm, nên đồng đội gọi anh rút lui, nhưng Lý cương quyết động viên anh em trong tổ ở lại để anh tiếp tục rà soát tìm đến quả mìn để thay kíp nổ khác. Khi vừa thay kíp mìn xong, anh bị địch phát hiện. Chúng chưa kịp đuổi theo thì anh đã nhanh chóng lui về phía sau châm điện. Mìn nổ làm chết và bị thương 19 quân địch, anh và đồng đội an toàn.
Tham gia rất nhiều trận đánh thập tử nhất sinh, nhưng anh Lý vẫn bình an. Có lần, anh đi nhận chỉ thị của Ban Chỉ huy thì bị trực thăng của địch phát hiện. Cả hai chiếc cùng hạ cánh, kêu anh ra hàng. Chúng muốn bắt sống, nhưng anh lính kiên cường Nguyễn Văn Lý quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh dùng súng AK bắn trả quyết liệt và ném lựu đạn vào trực thăng. Không thể bắt sống, chúng bắn xả vào anh cho đến khi anh ngã gục. Anh hy sinh nhưng trên tay vẫn còn nắm giữ 2 khoen lưu đạn mà anh vừa ném…
Bản lĩnh, tinh thần chiến đấu ngoan cường của liệt sĩ Nguyễn Văn Lý một lần nữa được vinh danh. Dịp kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-2010), tên anh sẽ được xướng lên trong danh sách những người con của quê hương Đồng Khởi được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Một số chiến công của liệt sĩ Nguyễn Văn Lý được ghi nhận:
- 3 Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba
- 5 Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhì, ba
- 7 Bằng dũng sĩ diệt Mỹ ưu tú
- 2 Bằng dũng sĩ diệt xe tăng ưu tú
- 1 Danh hiệu Kiện tướng diệt Mỹ toàn Miền
- 18 Bằng khen, Giấy khen chiến đấu dũng cảm. |