Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các bộ, ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 Việt Nam. Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: "Dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 bàn thảo liên quan đến nội dung nói trên."
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn mua sắm đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm y tế, đặc biệt sau thời gian hậu COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhiều văn bản trình Quốc hội xem xét, kịp thời ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.
Hiện nay để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sau 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc, đến nay đã có hơn 10.500 thuốc được gia hạn. Về nguồn cung thuốc của Việt Nam, có đến 22.000 mặt hàng. Đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, năm 2018 Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định Bộ Y tế tiếp thu toàn bộ ý kiến của đại biểu và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới.
Theo bà Đào Hồng Lan, hồ sơ Chỉ thị này đang chuẩn bị được trình Ban Bí thư để họp và thông qua vào tháng 6-2023 với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện… Những nội dung các đại biểu nêu đã được đề cập trong chỉ thị và sẽ được cụ thể hóa.
Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: Bệnh bại liệt; Bệnh cúm A-H5N1; Bệnh dịch hạch; Bệnh đậu mùa; Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; Bệnh sốt Tây sông Nile; Bệnh sốt vàng; Bệnh tả; Bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B
Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: Bệnh do virus Adeno; Bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Bệnh bạch hầu; Bệnh cúm; Bệnh dại; Bệnh ho gà; Bệnh lao phổi; Bệnh do liên cầu lợn ở người; Bệnh lỵ Amibe; Bệnh lỵ trực trùng; Bệnh quai bị; Bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue; Bệnh sốt rét; Bệnh sốt phát ban; Bệnh sởi; Bệnh tay-chân-miệng; Bệnh than; Bệnh thủy đậu; Bệnh thương hàn; Bệnh uốn ván; Bệnh Rubeon; Bệnh viêm gan virus; Bệnh viêm màng não do não mô cầu; Bệnh viêm não virus; Bệnh xoắn khuẩn vàng da; Bệnh tiêu chảy do virus Rota; Bệnh do virus Zika được bổ sung theo Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016; Bệnh đậu mùa khỉ được bổ sung theo Điều 1 Quyết định 3044/QĐ-BYT năm 2022.
|
Nguồn: Vietnam+