Bài học về đức tính giản dị của Bác Hồ

31/08/2018 - 07:54

Mùa Thu, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa trước quốc dân đồng bào. Những câu chuyện xung quanh sự kiện trọng đại hôm ấy đã được ghi chép lại qua lời kể của những người đã từng làm việc, gặp gỡ với Bác Hồ trong thời gian ấy. Đọc lại những câu chuyện về Bác khi xưa, mỗi câu chuyện trở thành một bài học sinh động về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm vào mỗi người hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. (Ảnh tư liệu)

Giản dị chiếc áo Bác Hồ

44 năm hóa thân vào hình tượng Bác Hồ, nghệ sĩ ưu tú Văn Tân có sự tìm hiểu sâu về trang phục của Bác. Nhân dịp đến Bến Tre vào tháng 4-2018, ông đã chia sẻ với chúng tôi nhiều điều ý nghĩa mà bản thân ông đúc rút ra được trong gần cả một đời học tập để hóa thân vào hình tượng Hồ Chủ tịch. Đặc điểm từ tác phong, cử chỉ đến trang phục của Bác Hồ, nghệ sĩ ưu tú Văn Tân đã từng được đích thân ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác giảng giải, tư vấn.

Nói về trang phục của Bác Hồ, nghệ sĩ ưu tú Văn Tân cho biết: “Các cụ xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”, Bác Hồ đã vận dụng rất linh hoạt điều này, ở hoàn cảnh nào thì có trang phục phù hợp hoàn cảnh ấy, vừa thể hiện sự trân trọng người xung quanh mình đồng thời vẫn giữ truyền thống dân tộc. Tất cả các trang phục của Bác đều rất giản dị, chất vải kaki đơn thuần, vải thô, vải tuyn. Thời ở Pháp, Bác cũng mặc áo dạ, comple, đến lúc về nước, lúc ở Pắc Pó thì Bác mặc áo chàm của bà con dân tộc Nùng, khi Bác đi thăm công nông trường, xí nghiệp, nhà máy, khi đi tát nước chống hạn rồi đi thăm bà con gặt lúa thì Bác mặc áo nâu sòng, tiếp khách quốc tế và dự các cuộc mít-tinh lớn thì Bác mặc áo kaki bốn túi màu kem”.

Chiếc áo kaki bốn túi màu kem mà Bác Hồ đã mặc trong ngày 2-9-1945 khi ấy có cả một câu chuyện. Câu chuyện về chiếc áo Bác Hồ được kể lại bởi bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô, một thương gia yêu nước, cơ sở tin cậy của cách mạng, chủ nhà số 48, Hàng Ngang, nơi Bác Hồ đã ở lại trong những ngày cuối tháng 8-1945 để chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Từ ngày 23-8-1945, về đến Hà Nội, Bác rất gầy yếu, sau những trận ốm và phải đi xa. Bà Hoàng Thị Minh Hồ kể lại: “Bác từ chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 giờ, đèn bàn của Ông Cụ mới tắt; nhưng 5 giờ sáng đã thấy Ông Cụ tập thể dục ngoài ban công. Hàng ngày lúc 7 giờ sáng, ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc đến chiều mới về 48 Hàng Ngang. Buổi tối Bác thường xuyên bận vì phải làm việc với các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt…”.

Vào khoảng những ngày 26, 27-8-1945, khi đã ấn định Lễ Tuyên ngôn vào ngày 2-9-1945, anh em cán bộ mới sực nhớ cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo tươm tất lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ chiến khu trở về và kể cả Bác đều mặc những đồ đã cũ sờn, có nhiều miếng vá. Bà chủ nhà lấy ra những bộ quần áo có sẵn mà ông Trịnh Văn Bô chưa dùng đến để cho cán bộ mặc tạm, nhưng tầm người như Bác không hợp bộ nào cả.

Ông Vũ Đình Huỳnh khi ấy đã chọn mẫu áo bốn túi kiểu Stalin và mời ông Phú Thịnh, một chủ hiệu may ở phố Hàng Quạt tới để cắt may cho Bác, cốt sao cho “mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp với cụ”. Khi các đồng chí cán bộ hỏi ý Bác về chất liệu vải và kiểu áo, Bác đã nói: “Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất giản dị, không phải cà vạt, cổ cồn là tốt”.

Người thợ may tinh ý ấy cũng đã đoán được ý Bác và đã may một bộ áo kaki bốn túi vừa trang trọng như kiểu áo Stalin lại vừa giản dị, thoải mái phù hợp với Bác. Lúc ông Vũ Đình Huỳnh mang bộ áo mới đưa cho Bác xem, Bác đã ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười: “Được, thế này là hợp với mình”.

“Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”

Đức tính giản dị của Bác Hồ cũng đã được ông Vũ Kỳ kể lại qua câu chuyện tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9 lịch sử:

Chiều hôm ấy, trời Hà Nội nắng đẹp. Hơn một triệu nhân dân Thủ đô từ các quận nội thành, các làng ngoại thành và các tỉnh xung quanh kéo về Quảng trường Ba Đình dự mít-tinh mừng độc lập và chờ đón người lãnh đạo kính yêu đọc Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Dưới ánh nắng tươi sáng của mùa thu lịch sử, trời trong xanh, cờ đỏ sao vàng rực rỡ, phấp phới tung bay. Giờ phút trang trọng mà mọi người dân cả nước náo nức trông chờ đã đến. Từ trên lễ đài Ba Đình, Bác Hồ với bộ quần áo kaki giản dị, đội chiếc mũ vải đã ngả màu vàng vì mưa gió và đi đôi dép cao su cùng các vị trong Chính phủ xuất hiện. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào. Cả biển người như sóng cuộn. Tiếng hô: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang lên như sấm dậy.

Khi tiếng hô vừa dứt, Bác Hồ thay mặt Chính phủ trịnh trọng đọc Tuyên ngôn độc lập. Giọng Bác Hồ ấm áp truyền vào trong trái tim của mỗi người dân: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Hơn một triệu người có mặt trong buổi mít-tinh hôm ấy vui sướng đến trào nước mắt.

Mọi người biết bao xúc động khi thấy Bác Hồ ngừng đọc, nhìn đồng bào rồi hỏi:

- Tôi nói đồng bào nghe rõ không?

Câu hỏi giản đơn, ấm áp này của Bác đã làm tiêu tan tất cả những gì xa cách giữa vị Chủ tịch nước với quần chúng nhân dân, gắn bó lãnh tụ với nhân dân bằng một mối tình thắm thiết, bền vững.

Chính với câu hỏi tự nhiên, gần gũi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trừ bỏ tất cả các nghi lễ, hình thức không cần thiết, làm cho mọi người dân từ già đến trẻ, từ Nam đến Bắc thấy Người thực sự trở thành “Bác Hồ”, “Cha Hồ” của dân tộc”.

 Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN