Bạch mai cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

13/02/2014 - 18:07
Đại diện lãnh đạo TP. Bến Tre, xã Phú Hưng và Đình Phú Tự vinh dự nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Sáng 13-2-2014, tại Đình Phú Tự (Phú Hưng - TP. Bến Tre) UBND TP. Bến Tre long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Bạch mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam, do Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ký quyết định công nhận.

Đến dự có: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ - Tổng Thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tiến sĩ Lê Sơn - Chánh Văn phòng Giải thưởng Trần Văn Giàu, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trương Duy Hải - Bí thư Thành ủy TP. Bến Tre cùng đại diện các, sở ngành tỉnh và đông đảo nhân dân địa phương.

Cây Bạch mai này còn gọi là mai mù u (lá và hoa có hình dáng giống lá hoa cây mù u). Bạch mai cổ thụ có tên khoa học: Calophyllum sp. Mỗi năm chỉ nở hoa một lần vào đầu mùa Xuân, nhất là Rằm tháng Giêng. Hoa có 4 cánh màu trắng, từng chùm, về đêm hương thơm thoang thoảng. Nhiều người chiết nhánh về trồng nhưng không sống. Do đó, cây Bạch mai trên 300 năm tuổi này đã quý hiếm lại càng quý hiếm hơn. Theo sách sử ghi lại, khoảng giữa thế kỷ XVII, một số cư dân Đàng Ngoài đến lập nghiệp tại Phú Hưng thời bấy giờ đã thấy cây Bạch mai này xanh tốt. Đến khoảng cuối thế kỷ XX, cây Bạch mai này cao khoảng 14m. Do mưa bão, hiện nay thân cây mẹ không còn, chỉ còn lại chín thân cây con vượt lên, cây cao nhất khoảng 6m, tán cây rộng có bán kính khoảng 3m.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ cho biết, cây Bạch mai cổ thụ này là Cây Di sản Việt Nam thứ 514 được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam họp xét và công nhận vào ngày 14-10-2013. Cây Bạch mai này đã đi vào thơ ca Việt Nam. Rất có thể nhờ vùng đất linh thiêng nơi đây, nó trở thành “kỳ hoa dị thảo”. Hơn nữa, cây Bạch mai này trở thành “chứng nhân” lịch sử ghi nhận quá trình đấu tranh, gìn giữ, xây dựng quê hương Đồng Khởi của con người Bến Tre. Qua đó, Bạch mai cổ thụ này còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ của Bến Tre, đồng thời góp phần vào sự phong phú trong lĩnh vực du lịch của tỉnh nhà.

Tại buổi lễ, ông Trần Anh Tuấn và  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Chí Sĩ đã thực hiện nghi thức khánh thành Bia đá công nhận Bạch mai cổ thụ - Cây Di sản Việt Nam.

* Cũng tại buổi lễ, ông Võ Thanh Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP. Bến Tre đề xuất, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xem xét công nhận cây thiên tuế trên 100 năm tuổi ở Đình Phú Nhuận (TP. Bến Tre) là Cây Di sản Việt Nam.

Dịp này, UBND TP. Bến Tre trao Giải logo TP. Bến Tre cho 4 tác giả đoạt giải. Trong đó, logo mã số 47 của tác giả Nguyễn Phước Đức (390/1, Nguyễn Kiệm, phường 3, Phú Nhuận - TP. Hồ Chí Minh) được chọn làm logo TP. Bến Tre.

Tin, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN