Ba Tri xây dựng và phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết số 33

13/05/2019 - 07:03

BDK - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là NQ số 33) đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa, con người, xem đây là nền tảng tinh thần của xã hội và là động lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương và lãnh đạo Huyện ủy viếng mộ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu vào tháng 11-2018. Ảnh: T.Vy

Công tác quán triệt, tuyên truyền

Sau khi tiếp thu NQ số 33 và chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Ba Tri đã cụ thể hóa thành kế hoạch và chương trình hành động để học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện. Sau hội nghị cán bộ chủ chốt cấp huyện, các chi bộ, đảng bộ cơ sở đã đồng loạt tổ chức học tập, quán triệt NQ trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Năm 2016, gắn với các nội dung NQ số 33, Huyện ủy đã tổ chức triển khai tiếp Chỉ thị số 11 CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc phát huy các giá trị truyền thống văn hóa và phát triển toàn diện con người Bến Tre trong cán bộ, đảng viên.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Ba Tri Nguyễn Hồng Vân, trên cơ sở quán triệt NQ số 03, Huyện ủy đã vận dụng đưa vào nội dung chỉ đạo trong NQ Đại hội XI của Đảng bộ huyện, các kế hoạch thực hiện NQ của đảng cấp trên. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu được huyện quan tâm chỉ đạo là: quản lý di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống, xây dựng chuẩn mực văn hóa, con người Ba Tri…

Các ngành chức năng cấp huyện, MTTQ, các đoàn thể và các xã, thị trấn gắn thực hiện NQ với các hoạt động xây dựng nâng chất phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng xã văn hóa nông thôn mới; tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm văn hóa, các hoạt động văn nghệ, thể thao… Song song với việc triển khai quán triệt NQ, Huyện ủy tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, theo hướng chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nhìn chung, công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động.

Khi NQ vào cuộc sống

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tri, qua 5 năm triển khai thực hiện NQ số 33, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Công tác phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu được đầu tư, nhất là việc đầu tư cho phát triển những sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, dịch vụ. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở một số địa phương được tiếp cận thị trường. Các sản phẩm du lịch, làng nghề, tiêu biểu có các sản phẩm từ Làng nghề cá khô An Thủy, đan đát Phước Tuy, nấu rượu và đan đát Phú Lễ, bánh phồng Phú Ngãi, sản xuất muối Bảo Thạnh... Nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, du lịch. Hiện tại đã hình thành 1 khu du lịch sinh thái Hải Vân (xã Tân Mỹ); các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái bước đầu hình thành đã thu hút được du khách trong và ngoài tỉnh.

Để góp phần thực hiện có hiệu quả NQ số 33, Huyện ủy Ba Tri đã luôn tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người; tạo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Các cấp ủy tích cực tuyên truyền, vận động mỗi cá nhân trong cộng đồng tự trau dồi, rèn luyện phẩm chất đạo đức, hướng đến hoàn thiện nhân cách con người, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, đảm bảo “đức” và “tài”. Mỗi cán bộ, đảng viên thật sự gương mẫu, là tấm gương cho quần chúng noi theo.

Đặc biệt, huyện xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là trách nghiệm của cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp toàn dân; trong đó, nhân dân là chủ thể. Chính vì vậy, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa, phát triển đời sống văn hóa tinh thần thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Nhằm đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong chính trị, Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng đưa nội dung xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hàng năm. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được các cấp ủy đảng, các cơ quan, ban, ngành, địa phương cụ thể hóa thông qua nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức.

Tường Vy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN