Ba Tri quản lý tốt ngân sách xã, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng

03/05/2010 - 10:50

Qua hai năm (2007-2008), thanh tra về quản lý ngân sách đối với ủy ban nhân dân các xã, thị trấn trong huyện Ba Tri đã phát hiện có 7 xã vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính với số tiền hàng trăm triệu đồng. Qua đó, đã xử lý hành chính 10 cán bộ sai phạm phần nào cũng gây ảnh hưởng không tốt trong nội bộ và giảm niềm tin của nhân dân với chính quyền cơ sở. Sau khi sơ kết 2 năm thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND huyện Ba Tri đã đề ra các giải pháp quản lý tốt ngân sách xã với yêu cầu đảm bảo nguyên tắc tài chính và phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, giao nhiệm vụ cho các ngành huyện hướng dẫn, kiểm tra xã thực hiện.

Năm 2009, huyện giao dự toán thu, chi cho 24 xã, thị trấn là 27 tỷ đồng. Để quản lý sử dụng nguồn ngân sách lớn có hiệu quả, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đã đề nghị UBND xã thay đổi, điều động 3 cán bộ kế toán ngân sách không hoàn thành nhiệm vụ ở các xã: Phước Tuy, An Thủy, Tân Thủy, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính cho chủ tịch UBND và kế toán ngân sách xã, thị trấn để nâng cao năng lực và nghiệp vụ quản lý. Tất cả các nguồn thu ở xã đều phải nộp vào tài khoản tại kho bạc huyện, khắc phục tình trạng thu không nộp vào ngân sách và tự ý để lại chi. Đối với quỹ đất công trước đây quản lý lỏng lẻo và thường vi phạm về việc cho thuê, thu tiền thuê đất, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã điều tra, thống kê được 3.142.892 m2 đất và lập 444 hợp đồng cho thuê đúng theo bảng giá đất. Các loại thuế được Chi cục Thuế huyện phối hợp xã, thị trấn thu đầy đủ, hạn chế việc thất thu và nợ thuế.

UBND huyện hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo các chế độ, định mức phục vụ cho công tác, mua sắm, sửa chữa…Khi mua sắm tài sản, sửa chữa, xây dựng công trình, xã gửi đề nghị cho các ngành huyện duyệt chi phù hợp, tiết kiệm chi phí. Các công trình xây dựng cơ bản của xã được xem xét lựa chọn, ưu tiên bố trí vốn cho từng công trình thiết yếu, trọng điểm để tránh lãng phí vốn, phát huy hiệu quả trong đầu tư xây dựng, chủ tịch UBND xã, thị trấn là chủ tài khoản có trách nhiệm kiểm tra theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ. Hàng tháng, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện trực tiếp kiểm tra, thẩm định các báo cáo quyết toán thu, chi qua đó chấn chỉnh những mặt hạn chế về chứng từ, sổ sách, góp ý cho kế toán ngân sách, thủ quỹ, chủ tịch ủy ban nhân dân xã để thực hiện đúng nguyên tắc tài chính, phòng ngừa tiêu cực. Báo cáo quyết toán thu, chi đều phải công khai tại bộ phận một cửa ở UBND xã, thị trấn để cán bộ, công chức và nhân dân kiểm tra góp ý theo quy chế dân chủ. Hội đồng nhân dân xã giám sát thường xuyên và định kỳ theo chuyên đề về thu, chi ngân sách và các nguồn quỹ do tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp cho xây dựng giao thông nông thôn, quốc phòng an ninh, hỗ trợ người nghèo, khuyến học…

Với các giải pháp thiết thực năm 2009, các xã, thị trấn đã thu ngân sách được 44,8 tỷ đồng, đạt 165,73% kế hoạch năm, 24 xã, thị trấn đều thu vượt chỉ tiêu huyện giao, xã Vĩnh An đạt cao nhất là 182,92% mức kế hoạch năm. Thực hiện tiết kiệm 10% chi ngân sách địa phương nhằm góp phần kềm chế lạm phát, ngân sách xã đã tiết kiệm được 515,3 triệu đồng để bổ sung vào nguồn dự phòng, tiết kiệm từ mua sắm tài sản công là 129,3 triệu đồng. Quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng cơ bản đặc biệt là hướng dẫn các ban thanh tra nhân dân làm tốt việc giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng tại xã, vừa nâng cao chất lượng công trình, vừa tiết kiệm vốn đầu tư được 673,4 triệu đồng. Đó là các công trình như hội trường, cổng chào văn hóa xã Vĩnh An, Phú Ngãi, trụ sở UBND xã An Ngãi Tây, Tân Mỹ, cầu kênh 9A xã Mỹ Thạnh, cầu sắt xã Mỹ Hòa.

Tổng kết công tác quản lý ngân sách xã, thị trấn năm 2009, các xã: An Đức, Phú Ngãi, Phú Lễ, Phước Tuy trước đây có vi phạm về việc chi không đúng định mức, chế độ, nguồn thu không nộp đầy đủ vào ngân sách nay đã khắc phục tốt, quản lý có nề nếp. Xã Bảo Thạnh và thị trấn Ba Tri là hai đơn vị điển hình được báo cáo để cho các xã học tập kinh nghiệm về thực hiện công tác chuyên môn của kế toán ngân sách và sự điều hành của chủ tịch UBND xã, thị trấn. Kinh nghiệm của việc quản lý ngân sách cấp xã, thị trấn là phải làm tốt việc bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính cho kế toán, thủ quỹ, chủ tịch UBND xã, thị trấn. Xây dựng đạo đức cần kiệm, liêm chính cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để không bị cám dỗ bởi tiền bạc, vật chất dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Phát huy dân chủ trong nội bộ và ngoài nhân dân để tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời uốn nắn, khắc phục những hạn chế, ngăn chặn ngay từ đầu dấu hiệu tiêu cực phát sinh. Đồng thời, các ngành chức năng của huyện làm tốt việc hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ tài chính ở xã, giúp UBND huyện chỉ đạo, điều hành sâu sát. Từ đó, đã góp phần quản lý tốt ngân sách cấp xã, thị trấn đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đặng Hồng Nhựt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN