Ba Tri phát triển nhanh đàn bò

06/11/2012 - 17:20
Nuôi bò ở xã Phú Ngãi.

Nông dân huyện Ba Tri có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò. Thế nhưng do giá cả có lúc sập soài khiến phong trào lắng dịu. Hiện nay, nhiều hộ đang ráo riết thay đổi cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao.

Tân Xuân là xã có số lượng bò nhiều nhất của huyện, với 6.715 con. Toàn xã có 3.242 hộ, trong đó có 1.272 hộ nuôi bò. Năm 2008, Tân Xuân chỉ có khoảng 5.000 con bò, do lúc này giá bò quá thấp, ít người nuôi. Một con bò cái ở thời điểm này giá chỉ có 2 - 3 triệu đồng.

Ở Tân Xuân hiện nay, ấp có số lượng bò nhiều nhất là Tân An: 1.516 con. Hộ nuôi nhiều nhất là hộ ông Tống Viết Nơ (ấp Tân Thanh III), nuôi từ 15 - 20 con bò. Năm 2011, ông Nơ bán được 12 con bò, mỗi con lời khoảng 4 triệu đồng sau 24 tháng nuôi vỗ béo. “Trước đây, tôi nuôi tôm sú nhưng không thành công. Ba năm nay, tôi chuyển sang nuôi bò. Tôi kết hợp hai mô hình: vừa nuôi bò sinh sản vừa nuôi bò vỗ béo. Nhờ đó, năm qua, gia đình tôi kiếm được vài chục triệu đồng” - ông Nơ phấn khởi cho biết. Không chỉ có Tân Xuân nuôi bò mà Phú Lễ cũng nuôi bò, xây hầm biogas.

Xã Phú Lễ nổi tiếng về sản xuất rượu, đồng thời cũng nổi tiếng về chăn nuôi bò. Toàn xã hiện có 4.525 con bò, với hơn 1.000 hộ nuôi. Mỗi hộ nuôi từ 2 - 40 con. Hộ ông Nguyễn Trọng Thủy nuôi từ 30 - 40 con/năm (do có bán bò vỗ béo). Ông nuôi theo hai hình thức: sinh sản và vỗ béo. “Giống bò vàng Việt Nam hay còn gọi là giống bò địa phương hầu như không còn. Thay vào đó là giống bò lai Brahman đỏ. Giống này có màu lông đẹp, con bò có thân hình vạm vỡ, mình tròn, vai, mông khá to, lớn nhanh, sinh sản khỏe, cho thịt nhiều” - ông Thủy chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Võ Công Lập, ấp Phú Lợi - Phú Lễ (người nuôi bò đứng hàng thứ nhì sau ông Thủy), nuôi từ 20 - 30 con/năm. “Không riêng gì ông Thủy, tôi và các hộ khác cũng chuộng giống bò Brahman đỏ. Từ việc nuôi bò, tôi xây hầm biogas tạo chất đốt sinh hoạt cho gia đình. Hàng tháng, gia đình tôi tiết kiệm tiền chất đốt (củi, vỏ trấu…) khoảng 400 ngàn đồng. Toàn xã này, hiện nay có 248 hộ xây hầm biogas nhờ nuôi bò, góp phần bảo vệ môi trường” - ông Lập nói về hiệu quả nuôi bò.

Ông Lê Văn Nết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lễ cho biết: Ở xã này chỉ vài hộ nuôi heo, còn lại đa số nuôi bò. Nuôi bò ở Phú Lễ giống như nuôi heo dạng công nghiệp. Bò nuôi nhốt trong chuồng với diện tích 2,5 - 3m2/con. Cần thiết lắm mới dẫn ra phơi nắng khoảng 3 tiếng đồng hồ/ngày (không nên phơi nắng bò vào giữa trưa). Việc phơi nắng giúp bò không bị chồn chân, mỏi gối, thịt săn chắc hơn.

Nông dân Phú Ngãi nuôi bò được thí điểm về sự hỗ trợ vốn. Toàn xã có mười hộ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) hỗ trợ để nuôi bò. Trong đó, mỗi hộ tham gia Dự án được hỗ trợ 5,04 triệu đồng, phần còn lại gia đình đóng góp thêm. Hộ góp nhiều nhất là hộ bà Phan Thị Hóa, 76 tuổi ở ấp Phú Thạnh. Bà Hóa đã góp thêm 2 triệu đồng để mua một bò cái. Hiện tại, bà có hai bò cái và hai bò con ba tháng tuổi. “Bốn con bò của tôi hiện nay, tổng trị giá khoảng 60 triệu đồng. Hai con bò nghé thấy thương quá, đây là giống bò lai của nước ngoài được thụ tinh bằng phương pháp cấy” – bà Hóa bày tỏ niềm vui.

Ông Huỳnh Văn Leo (con của bà Hóa) có hơn 20 năm nuôi bò vỗ béo, chia sẻ kinh nghiệm: Hầu hết bò vỗ béo khoảng 24 tháng tuổi là bán, vì nuôi càng lâu càng tốn thức ăn và thịt bò không ngon. Để nuôi lâu chỉ có bò cái (bò sinh sản). Bò con 6 tháng tuổi, giá hiện nay khoảng 7 triệu đồng, bò cái mang thai lên tới 30 triệu đồng/con. Bò đực vỗ béo 24 tháng tuổi gần 20 triệu đồng/con. Với giá bò tăng nhanh như thế này, hôm qua, tôi mới mua bốn con bò nghé 6 tháng tuổi (55 triệu đồng) về vỗ béo.

Ông Huỳnh Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Phú Ngãi cho biết, xã có 10 hộ nghèo nuôi bò được tham gia Dự án do Bộ LĐ-TB&XH tài trợ. Mười hộ nuôi với hai hình thức sinh sản và vỗ béo. Từ 2010 đến nay, có bốn hộ thoát nghèo. Hết năm 2013, sẽ có thêm bốn hộ thoát nghèo từ sự hỗ trợ này của Bộ LĐ-TB&XH.

Hiện tại, nông dân Ba Tri được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện giới thiệu các loại giống bò ngoại nhập có tỷ lệ thịt nạc cao như: Brahman, Red Angus, Charrolaise. Những giống bò này có trọng lượng lớn, tỷ lệ thịt nạc nhiều, thịt ngon, đem lợi nhuận khá cao cho người nuôi.

“Nhiều năm qua, nông dân Ba Tri áp dụng phương pháp cấy tinh giống bò ngoại nhập khá thành công. Từ nay đến năm 2015, ngành nông nghiệp huyện sẽ giúp nông dân thay đổi cơ cấu giống bò thịt chất lượng cao lên 15%”.

(Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện).

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN