Ba Tri đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện

12/10/2020 - 07:06

BDK - Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 03 của Huyện ủy Ba Tri về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hóa (CNH) - hiện đại hóa (HĐH) giai đoạn 2015 - 2020, được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo thực hiện. Việc triển khai thực hiện chủ trương về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực... từng bước tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện.

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào trong sản xuất lúa.

Hiệu quả sản xuất

Để triển khai thực hiện có hiệu quả NQ số 03 của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. 100% đảng ủy các xã, thị trấn cũng đã xây dựng chương trình hành động; 100% UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa NQ cho địa phương mình trong công tác phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng CNH - HĐH.

Trong quá trình thực hiện NQ số 03 của Huyện ủy, tuy gặp nhiều khó khăn như thời tiết không thuận lợi, giá hàng nông sản không ổn định, bệnh dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại cho người chăn nuôi… nhưng Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt các chỉ tiêu NQ đề ra.

Tính đến cuối năm 2019, giá trị sản xuất khu vực 1 tăng bình quân 6,35%/năm (NQ 8,19%/năm); diện tích gieo trồng lúa 33.699ha (NQ 35.600ha), sản lượng 155.510 tấn (NQ 185.500 tấn); diện tích cây màu 2.995ha (NQ 3.500ha); tổng đàn bò là 100.815 con (NQ 100.000 con); Dự án bò sữa triển khai tại 17 xã (NQ 14 xã) với 1.639 hộ dân tham gia, 1.943 bò cái lai Sind, hiện tại có 722 bò sữa F1, F2 đang khai thác sữa, đã cung cấp 5.600kg sữa tươi/ngày cho trạm thu mua sữa của Vinamilk, giá bán từ 11 - 14 ngàn đồng/kg; diện tích nuôi trồng thủy sản 5.585ha (NQ 5.900ha), trong đó, diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh là 1.850ha (NQ 2.400ha), tổng số tàu đánh bắt xa bờ 1.565 tàu (NQ 1.500 tàu)…

Huyện được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri” và nhãn hiệu tập thể “Rau Phú Nghĩa”. Năm 2019, hiệu quả sản xuất trên 1ha diện tích canh tác đất trồng trọt của huyện tăng từ 73 triệu đồng lên 91 triệu đồng; thủy sản tăng từ 190 triệu đồng lên 426 triệu đồng (so với năm 2015).

Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Theo Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri Bùi Thành Dương, việc thực hiện NQ số 03 của Huyện ủy đã từng bước tác động tích cực đến các hoạt động sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo hướng liên kết sản xuất - tiêu thụ, áp dụng cơ giới hóa được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Công tác xây dựng nhãn hiệu hàng hóa được quan tâm thực hiện; hoạt động đổi mới thiết bị, công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông sản được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Bước đầu hình thành mối liên kết tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến đã góp phần tác động tích cực đến tăng trưởng ngành nông nghiệp và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Lãnh đạo huyện chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch cải tạo giồng tạp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và lợi ích kinh tế. Đến nay đã thực hiện cải tạo được 40,4ha đất giồng tạp ở 12 xã, với các loại cây trồng như: bưởi da xanh, chuối, dừa, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi bò… Phối hợp các Tổ chức Seed to Table, Tổ chức Oxfam, các doanh nghiệp thực hiện các mô hình rau hữu cơ, trồng nấm bào ngư ở các xã An Hòa Tây, Phú Lễ, Vĩnh Hòa, Mỹ Chánh, An Phú Trung, Mỹ Thạnh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá.

Các mô hình cải thiện sinh kế cho người dân tại các xã An Đức, An Ngãi Tây, An Hiệp, Tân Hưng, Bảo Thạnh thuộc Dự án AMD cũng đang được tiếp tục triển khai thực hiện đạt hiệu quả khá cao. Nhiều mô hình mới được nông dân đưa vào thử nghiệm bước đầu mang lại hiệu quả như: mô hình trồng dưa lưới tại xã Tân Mỹ, An Hiệp; mô hình trồng rau thủy canh tại xã An Đức, Vĩnh An, mô hình nuôi vịt biển tại xã An Hiệp…

Mô hình cánh đồng mẫu tiếp tục được củng cố và phát triển ở các xã Tân Xuân, Mỹ Nhơn, An Bình Tây, Mỹ Hòa, An Ngãi Trung với diện tích 332ha và tổ chức liên kết với Công ty Lương thực Bến Tre thu mua, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường khoảng 2 triệu đồng/ha.

Bài, ảnh: Quốc Hùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN