Xây dựng công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi ở Ba Tri. Ảnh: LCASP
Phát huy hiệu quả
Ông Trần Quang Tiến, ấp Phước Thới, xã Phước Ngãi (xã Phước Tuy trước đây), huyện Ba Tri, là chủ trại trùn quế có uy tín của tỉnh gần 20 năm nay. Đây là một trong những mô hình quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi được triển khai trên địa bàn huyện trong thời gian qua. Thị trường phân hữu cơ trùn quế của trang trại đang ngày càng mở rộng.
Câu chuyện sử dụng phân chuồng trong chăn nuôi bò để nuôi trùn quế, sản xuất phân hữu cơ của hộ ông Trần Quang Tiến là điển hình suốt nhiều năm nay khi nói đến nông nghiệp hữu cơ. Tính hiệu quả của mô hình đã được khẳng định khi nhu cầu sử dụng phân hữu cơ từ trùn quế cũng như các sản phẩm trùn thịt, dịch trùn được thị trường chăn nuôi, trồng trọt ưa chuộng, xem như là sản phẩm dinh dưỡng cao cấp có lợi cho cây trồng, gia cầm, thủy sản.
Từ 400m2 trang trại, hiện nay ông Tiến đã mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tạo ra nhiều vệ tinh để phát triển nguồn cung cho thị trường. “Tôi đã hướng dẫn kỹ thuật nuôi trùn quế cho nhiều nông dân trong và ngoài huyện. Hiện tôi có thêm 4 điểm sản xuất vệ tinh trên địa bàn huyện, thường xuyên cung cấp sản phẩm để phân phối cho thị trường”, ông Tiến chia sẻ.
Các cơ sở nuôi trùn quế đã góp phần xử lý số lượng lớn phân chuồng từ các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn. Cùng với các mô hình khí sinh học được lắp đặt tại các hộ chăn nuôi, không còn cảnh chất thải vật nuôi tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan.
Gần 6 năm triển khai Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp trên địa bàn huyện Ba Tri, hiệu quả về môi trường trong chăn nuôi thể hiện rất rõ. “Đa số nông dân nhận biết được lợi ích của bảo vệ môi trường chăn nuôi, lợi ích của việc sử dụng các phụ phẩm khí sinh học, ý thức hơn trong xử lý chất thải chăn nuôi, từ bỏ tập quán chăn nuôi cũ”, ông Võ Trung Trực - Trạm Khuyến nông huyện Ba Tri cho biết.
Phát triển nông nghiệp hiện đại
Việc bảo vệ môi trường chăn nuôi bằng các giải pháp quản lý chất thải chăn nuôi và công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp mà Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã triển khai là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển. Người dân Ba Tri chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi bò và trồng rau màu. Nghề nuôi bò có xu thế phát triển mạnh hơn nữa khi Ba Tri xác định con bò là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện để xây dựng chuỗi giá trị. Khi chăn nuôi ngày càng phát triển thì dịch bệnh càng có nhiều khả năng lây lan nếu môi trường nuôi không đảm bảo an toàn.
Hiện tại, tình hình hạn mặn còn tiếp tục diễn biến. Tình trạng thiếu nước tưới, thiếu nước cho đàn vật nuôi càng trở nên cấp bách. Nước mặn làm thất thu vụ lúa dẫn đến thiếu nguồn rơm tại chỗ. Cỏ trồng cũng phát triển chậm nên vấn đề thức ăn cho đàn gia súc gặp nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, các công trình khí sinh học và các công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết bài toán về môi trường chăn nuôi của địa phương.
“Trong thời gian tới, nông dân huyện Ba Tri sẽ tiếp tục áp dụng các mô hình khí sinh học, cũng như kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt chuẩn hữu cơ, an toàn theo Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã hướng dẫn để bảo đảm môi trường nuôi an toàn, môi trường sống sạch sẽ cho cộng đồng” - ông Võ Trung Trực - Trạm Khuyến nông huyện Ba Tri cho biết.
Thanh Đồng