Armenia, Azerbaijan đối thoại về hiệp ước hòa bình

08/11/2022 - 17:38

Ngày 7-11-2022, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan và người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã tiến hành đàm phán tại Washington dưới sự trung gian của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đây là cuộc gặp kín, diễn ra chỉ vài giờ sau khi hai bên cáo buộc nhau nổ súng ở khu vực biên giới tranh chấp.

Binh sĩ Armenia tuần tra trên tuyến đường gần làng Berdashen thuộc tỉnh Shirak, khu vực ranh giới ngừng bắn với Azerbaijan, ngày 27-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã hoan nghênh bước đi này của Armenia và Azerbaijan nhằm hướng đến hòa bình lâu dài giữa hai nước. Phát biểu trước thềm cuộc gặp, ông nhấn mạnh: "Đối thoại trực tiếp là cách tốt nhất để đạt được hòa bình lâu dài thực sự và chúng tôi rất sẵn sàng hỗ trợ việc đó". 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Armenia ra thông cáo cho biết tại cuộc gặp ở Washington, hai bên đã trao đổi quan điểm về các yếu tố của hiệp ước hòa bình và nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán, tuy nhiên cũng thừa nhận còn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết. Theo bộ trên, cả hai bên đều tái khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan tại các cuộc gặp vào ngày 6-10-2022 tại thủ đô Praha (CH Séc) và ngày 31-10-2022 tại thành phố Sochi (Nga). Hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc gặp khác trong những tuần tới.

Cách đây một tuần, tại cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã nhất trí không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở khu vực Nagorny - Karabakh. 

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan tại Mỹ nói trên, hai bên đã cáo buộc nổ súng vào các vị trí của nhau ở khu vực biên giới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày 7-11-2022 đã kêu gọi hai bên kiềm chế các hành động và bước đi có thể dẫn đến leo thang căng thẳng. 

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã trở nên căng thẳng liên quan đến tranh chấp quyền kiểm soát Nagorny - Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia. Vấn đề này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước láng giềng, đỉnh điểm là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5/1994. Hồi tháng 5 năm nay, Armenia và Azerbaijan thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới, được đánh giá là bước đi hướng tới sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny - Karabakh.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN