Lực lượng tại chốt chặn cách ly vận chuyển hàng hóa vào khu cách ly.
Hạn chế ra đường
Khi nghe tin ca dương tính Covid-19 xuất hiện trên địa bàn, người dân ấp Thừa Lợi hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, sau khi ngành chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp cách ly, người dân bắt đầu ý thức trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trưởng ấp Thừa Lợi Võ Thị Ngọc Lan cho hay, lo lắng trước tình hình dịch bệnh, hầu hết các hộ dân đều đóng cửa, hạn chế ra đường, đặc biệt là trẻ nhỏ. Nếu có việc cần thiết ra đường, người dân đều đeo khẩu trang. Người dân rất ý thức và hợp tác, tuân thủ các quy định cách ly để phòng chống dịch bệnh. Đa số rất lạc quan, mong chờ sức khỏe ổn định, sớm hết ngày cách ly trở lại sinh hoạt, sản xuất thường nhật.
Chia sẻ thông tin qua điện thoại, anh Trần Tuấn Kiệt - người dân trong ấp cho hay, bản thân anh cũng lo lắng nhưng được các cấp chính quyền quan tâm tuyên truyền, giải thích nên anh an tâm. Anh luôn thực hiện theo hướng dẫn của y tế xã và các thông tin trên đài truyền thanh. “Mỗi người cùng thực hiện nghiêm việc cách ly và hạn chế đi ra đường để hạn chế nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng, sớm ngăn chặn dịch bệnh”, anh Trần Tuấn Kiệt bày tỏ mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Na, người dân ấp Thừa Lợi hàng ngày thu nhập từ quầy bán cơm, bánh mì nhưng từ hôm có ca dương tính Covid-19, ông đóng cửa ngưng hoạt động. Không riêng ông Na mà nhiều người dân nghe có dịch bệnh rất lo cho sức khỏe của mình, ai cũng tuân thủ cách ly. “Cách ly trong thời gian quá dài thì người dân gặp khó khăn đi lại, mua bán hàng hóa, nguồn thu nhập cũng giảm”, ông Nguyễn Văn Na bộc bạch.
Theo kết quả điều tra thực tế của chính quyền địa phương, hiện khu cách ly ấp Thừa Lợi có 406 hộ dân, với 1.359 nhân khẩu đang sinh sống, lao động. Trong đó, 49 hộ nghèo, cận nghèo với 128 nhân khẩu; 19 người thuộc diện gia đình chính sách, 353 trẻ dưới 16 tuổi; 16 người trên 80 tuổi. Đa số hộ dân trong vùng cách ly làm nghề cào, làm thuê mướn. Qua 2 ngày cách ly, lương thực thực phẩm của từng hộ dân tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, cách ly với thời gian gần 1 tháng, thu nhập hàng ngày của các hộ dân sẽ gặp khó khăn.
Hiện nông sản của hộ dân ấp Thừa Lợi đã tới ngày thu hoạch nhưng không vận chuyển ra ngoài bán được. Trong ấp còn khoảng 1,3ha củ sắn, củ cải đang chờ thu hoạch. Theo các hộ dân trong ấp, củ sắn nếu để dưới đất không thu hoạch không sao, riêng củ cải để càng ngày càng lớn, nếu lớn quá không bán được. Trước đó, các hộ dân trồng dưa hấu trong ấp đã chia nhau phần dưa ngọn để dùng trong thời gian cách ly. “Với số lượng rau củ (củ sắn, củ cải) còn trên địa bàn, người dân khu vực có tiêu thụ không hết. Nếu có được nguồn hỗ trợ mua rồi chia sẻ hỗ trợ trong ấp để người trồng lấy tiền vốn và chi phí thì bà con rất mừng”, bà Võ Thị Ngọc Lan hy vọng.
Không để người dân thiếu lương thực
Thực hiện “4 tại chỗ”, trước khi cách ly toàn bộ ấp Thừa Lợi, UBND xã Thừa Đức đã thành lập 2 ban để đảm bảo điều kiện cho người dân khu vực cách ly. Ban Tiếp nhận hàng cứu trợ do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã làm trưởng ban để vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ vật chất và nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng cách ly; Ban Tiếp nhận, phân phát hàng hóa nhu yếu phẩm tại ấp Thừa Lợi do Bí thư chi bộ ấp làm trưởng ban.
Ban tiếp nhận, phân phát hàng hóa nhu yếu phẩm tại ấp Thừa Lợi vận chuyển hàng hóa hỗ trợ đến cho người dân trong khu cách ly.
Trong đó, lực lượng Ban Tiếp nhận, phân phát hàng hóa nhu yếu phẩm tại ấp Thừa Lợi có 30 thành viên là lực lượng đoàn thể của ấp, thanh thiếu niên, hộ dân. Lực lượng phụ trách việc tiếp nhận hàng hóa tại chốt chặn cách ly, sau đó vận chuyển đến trụ sở ấp và đi phân phát đến từng hộ dân. Việc phân phát ưu tiên gia đình khó khăn trước để đảm bảo hàng hóa hỗ trợ đến tay người cần nhất.
Trong ngày 25-3-2020, xã tiếp nhận 4,3 tấn gạo từ mạnh thường quân của TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nhiều cá nhân, tổ chức trong huyện đã vận chuyển hàng hóa: mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm đến quyên góp tại các chốt chặn khu vực cách ly đễ hỗ trợ cho người dân và lực lượng đang làm nhiệm vụ.
Ngày 25-3-2020, tại chốt cách ly điểm cầu Thừa Lợi, lực lượng công an, biên phòng, quân đội đang khẩn trương vận chuyển gạo hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ vào vùng cách ly. Theo mạnh thường quân Lê Thị Hồng Nhã - người dân Thới Thuận, khu cách ly ở vùng sâu vùng xa, chưa chuẩn bị kịp lương thực và nhu yếu phẩm nên chị Hồng Nhã vận động mọi người quyên góp ủng hộ để chia sẻ khó khăn, góp phần giúp người dân vượt qua thời gian cách ly.
Để đảm bảo sức khỏe người dân và lực lượng tham gia phòng chống dịch tại khu vực cách ly, Ban Chỉ đạo xã đã có phương án chia ca trực nhằm đảm bảo công tác lâu dài. Trước mắt, lực lượng ấp, xã phối hợp với công an, bộ đội, biên phòng huyện tham gia vận chuyển hàng hóa hỗ trợ phía bên ngoài khu cách ly để đảm bảo phát đến tay người dân, tránh tụ tập nơi đông người. Các nhu yếu phẩm cần thiết cho dân thì vận chuyển liền, các mặt hàng chưa cần thiết và tiền thì sẽ để đó phục vụ cho giai đoạn sau.
Bí thư Đảng ủy xã Thừa Đức Trần Trung Kiên - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Thừa Đức cho biết: “ban chỉ đạo xã sẽ đảm bảo cho người dân trong giai đoạn cách ly, không để bất kỳ người dân nào thiếu lương thực. Trường hợp quá khó khăn sẽ vận động tiếp mạnh thường quân hoặc báo cáo về cấp trên để kịp thời có phương án hỗ trợ”.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ tỉnh), thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ tiền mặt và trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Công ty Thủy sản Bến Tre ủng hộ 500 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bến Tre hỗ trợ 90 triệu đồng; Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tặng 5 ngàn khẩu trang vải…
Thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhiều cá nhân giấu tên hỗ trợ nhu yếu phẩm cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách ly tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.
|
Bài, ảnh: Phan Hân