Nuôi ong ký sinh (OKS) sâu đầu đen tại Phòng nuôi ong ký sinh sâu đầu đen huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: T. Thảo
Kết quả nhân nuôi OKS từ đầu tháng 1 đến tháng 4-2024, tại các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Giồng Trôm, Trung Tâm Giống và Hoa kiểng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đạt so với kế hoạch (2 triệu OKS/tháng/đơn vị nhân nuôi). Tuy nhiên, một số huyện Châu Thành, Bình Đại, Thạnh Phú tiến độ nhân nuôi còn chậm so với kế hoạch đề ra.
Trong phòng trừ sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất (phòng nhân nuôi chuyên biệt, máy điều hòa…) và nhân sự của một vài đơn vị (chủ yếu sử dụng nhân sự tại chỗ của ngành nông nghiệp) chưa đáp ứng được điều kiện nhân nuôi nên kết quả nhân nuôi chưa cao, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch. Việc nhân nuôi ong ký sinh ấu trùng cùng với ký chủ phụ làm ảnh hưởng đến số lượng nguồn ký chủ phụ. Nguyên nhân loài OKS ấu trùng sẽ tấn công làm chết ấu trùng ký chủ thay thế trong quá trình nhân nuôi. Do đó, để chủ động nhân nuôi được cả 2 loài OKS ấu trùng và OKS nhộng cần có 2 phòng nhân nuôi tách biệt để tránh tình trạng trên. Việc phóng thích OKS xen kẽ trong vùng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng trừ sinh học tại một số địa phương là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tái phát nhanh diện tích sâu đầu đen trong giai đoạn nắng nóng hiện nay.
Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Văn Lĩnh, hướng tới cần tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp hiệu quả các biện pháp quản lý tổng hợp: biện pháp canh tác, biện pháp hoá học và sinh học. Phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác nhân nuôi và phóng thích OKS trên địa bàn toàn tỉnh. Khoanh vùng điểm phóng thích OKS không phóng thích đan xen giữa sinh học và hóa học, đảm bảo nguồn ong phát triển ngoài tự nhiên đủ kiểm soát sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đề nghị các ban, ngành đoàn thể có liên quan quan tâm phối hợp tuyên truyền biện pháp quản lý tổng hợp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Đặc biệt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vùng phóng thích OKS. Phối hợp với các địa phương trong công tác nhân nuôi và phóng thích OKS trên địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị nhân nuôi và phóng thích OKS cần chủ động khoanh vùng nhiễm sâu đầu đen đã được phóng thích OKS để tuyên truyền nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phóng thích tập trung, không phóng thích phân tán lẻ tẻ, ảnh hưởng hiệu quả kiểm soát sâu đầu đen bằng OKS.
Trần Quốc