Ấn tượng về sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan

29/08/2018 - 08:29

Từ lâu, Thái Lan được xem là một trong những “cường quốc” về sản xuất nông nghiệp. Trong khu vực châu Á, Thái Lan chỉ đứng sau Trung Quốc về xuất khẩu lương thực. Mới đây, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre (do Hội Nông dân tỉnh thành lập vào tháng 7-2018) đã có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở nước này, đối với các sản phẩm như con bò, hoa kiểng và bưởi da xanh.

Mô hình sản xuất hoa kiểng của nông dân Thái Lan. Ảnh: CTV

Kết quả sau chuyến đi, hầu hết các nông dân tỷ phú tỉnh cho biết đã ghi nhận nhiều cách làm tiên tiến ở nước bạn.

Sự khác biệt của sản phẩm

Còn đọng lại nhiều xúc cảm sau chuyến đi học tập kinh nghiệm ở Thái Lan, nông dân Nguyễn Hữu Thanh kể: Ấn tượng nhất của tôi ở nước này là khâu quảng cáo của họ rất tốt. Theo tôi, đây là một trong những bí quyết để sản phẩm của họ đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi. Cách quảng bá đẩy mạnh thuyết minh sự khác biệt của sản phẩm nhằm khẳng định và nâng cao giá trị của sản phẩm đó.

Ví dụ, mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao. Để có một con bò có giá trị tương đương 6 triệu đồng/kg thịt (quy đổi thành tiền Việt Nam) thì quy trình nuôi của họ trải qua nhiều khâu, trong đó có khâu nuôi dưỡng trong phòng lạnh trước khi bán thịt ra thị trường. Một trong những sự khác biệt ở quy trình nuôi này đã như tạo ra sự khác biệt ở thịt bò này. Qua đó, tạo nên sự độc đáo, đẩy giá cả sản phẩm này lên cao gấp nhiều lần so với thị trường và gấp hơn 20 lần so với giá thịt bò tại Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Sitthepom - Trường Đại học Nông nghiệp, Bangkok, Thái Lan đánh giá cao thị trường Trung Quốc về tiềm năng tiêu thụ thịt bò cao cấp. Hiện ông đã tổ chức nghiên cứu thị trường và có ý tưởng liên kết giữa Thái Lan với các nước Việt Nam, Lào, Campuchia để nuôi bò chất lượng cao cung cấp cho thị trường thế giới. Mỗi nước sẽ tham gia một công đoạn trong chuỗi giá trị.

Ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cùng tham gia chuyến đi này cho rằng, hiện nay giống bò WAGYU của Nhật là rất tốt, phù hợp cho việc nuôi bò lấy thịt, giống này hiện nay thế giới rất ưa chuộng, bán được giá cao, có thể lai tạo được với bò hiện có của Việt Nam. Hướng tới, tỉnh muốn làm được mô hình này phải đi từ nuôi ít, rút kinh nghiệm rồi đến nuôi nhiều và lưu ý thay đổi thức ăn cho bò để tăng dinh dưỡng, nâng cao chất lượng thịt.

Tham quan mô hình nuôi bò của nông dân Thái Lan. Ảnh: CTV

Liên kết thành chuỗi giá trị

“Cái hay tôi học được ở nông dân nước này là người nông dân rất đoàn kết. Họ sẵn sàng hy sinh chứ không đánh đổi uy tín, thương hiệu vì lợi nhuận trước mắt. Ví dụ ở một hộ sản xuất hoa kiểng nổi tiếng ở nước này, nông dân liên kết rất chặt chẽ để có thể cùng nhau đảm bảo cung cấp những sản phẩm có mẫu mã, chất lượng tốt nhất theo nhu cầu khách hàng thay vì cạnh tranh về giá hay bán hàng kém chất lượng theo kiểu chụp giựt” - chị Nguyễn Thị Nga, thành viên Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú tỉnh thổ lộ cảm xúc. 

Tính liên kết của mỗi thành viên trong chuỗi rất cao. Tương tự đối với mô hình nuôi bò thịt. Quy trình sản xuất ra một con bò được hình thành theo chuỗi khép kín từ khâu con giống đến bàn ăn, tức họ liên kết chặt chẽ từ trang trại đến hợp tác xã, các quán ăn… Lợi nhuận từ chuỗi giá trị được phân chia đều cho các khâu trong chuỗi. Điểm ưu việt của nông nghiệp Thái Lan là liên kết chuỗi đã khẳng định sự đúng đắn của cách xây dựng chuỗi trong phát triển hàng nông sản của Bến Tre.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Sitthepom, người thực hiện thành công mô hình này cho rằng, nghiên cứu nhu cầu thị trường là khâu đầu tiên, sau đó mới đến nghiên cứu trong sản xuất. Muốn nuôi bò đạt kết quả cao thì phải liên kết lại với nhau từ khâu nuôi đến khâu tiêu thụ.

Đánh giá chung nhất của các “nông dân tỷ phú” của tỉnh sau chuyến đi tham quan nông nghiệp ở nước bạn là có khoảng cách về kỹ thuật và tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Nhiều nông dân đã có thể đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Song, để xây dựng thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước cho những sản phẩm này thì phải vượt qua các khó khăn, thách thức hiện hữu về: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc, thói quen mạnh ai nấy làm… Mục tiêu hướng đến tập trung liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, hình thành các chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra để nâng cao giá trị và đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế nông nghiệp tỉnh.

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN