Ấn tượng hành trình xứ Dừa về với Thủ đô

29/11/2019 - 06:54

BDK - Trong những ngày cuối tháng 11-2019, tỉnh đã tổ chức một đoàn công tác đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Thủ đô Hà Nội) để phối hợp cùng Ban quản lý Làng thực hiện hoạt động “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre”, nhằm giới thiệu về văn hóa, sản phẩm dừa của tỉnh. Tham gia trong hoạt động này, có hơn 50 cán bộ, diễn viên, nghệ nhân của các làng nghề trên địa bàn tỉnh và các bộ phận nghiệp vụ liên quan.

Đại biểu lãnh đạo tỉnh và du khách xem thực hành tráng bánh tráng do nghệ nhân Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (Giồng Trôm) làm tại chỗ.

Không gian văn hóa, giới thiệu sản phẩm dừa của Bến Tre trong những ngày diễn ra tại đây luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bởi bên cạnh cách trưng bày, tổ chức khá sinh động, mời du khách cùng trải nghiệm, là sự nhiệt tình “cháy hết mình” của lực lượng diễn viên, nghệ nhân.

Những nhân tố “lành nghề”

Để đảm bảo tốt các hoạt động, phía Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, các nghệ nhân, diễn viên được chọn mời tham gia trong chuyến đi này đều là những người lành nghề, có kinh nghiệm và tất cả đều rất nhiệt tình. Đó là Nghệ nhân ưu tú Minh Lời (Phường 6, TP. Bến Tre) - lĩnh vực đờn ca tài tử; nghệ nhân Võ Văn Bá (tên thường gọi là Ba Bá, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre) - chế tác và trình diễn nhạc cụ từ dừa; chị Kim Ngân và Kim Duyên (xã Bình Phú, TP. Bến Tre) chuyên thắt lá dừa nghệ thuật; cô Hồ Thị Thạnh (xã Mỹ Thạnh, Giồng Trôm) - thợ làm bánh tráng Mỹ Lồng; chị Bé Ái (xã Hưng Nhượng, Giồng Trôm) - thợ làm bánh phồng Sơn Đốc, anh Phạm Văn Phụng (xã Hưng Phong, Giồng Trôm) làm thủ công mỹ nghệ từ dừa, anh Hồ Thanh Sơn (Phường 8, TP. Bến Tre) - chế biến ẩm thực từ dừa…

Đoàn có sự tham gia của Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân - lĩnh vực ca cổ, cải lương, nghệ sĩ Mộng Trinh, Như Tuyết - ca tài tử, nói thơ Vân Tiên, Đội hát sắc bùa Trung tâm Văn hóa tỉnh và một số diễn viên múa. “Khi được mời tham gia cùng đoàn công tác để giới thiệu, quảng bá về văn hóa Bến Tre tại Hà Nội, Ngân đã nhận lời ngay. Sân khấu biểu diễn ngoài trời, trên nền đất cỏ và đối diện gần gũi với mọi người, đơn giản nhưng vô cùng ấm áp, đong đầy tình cảm. Đó là tình cảm của nghệ sĩ Bến Tre gửi đến đồng bào các dân tộc ở tại Làng, gửi đến đông đảo người dân, du khách Thủ đô và các tỉnh phía Bắc; và ngược lại, còn là tình cảm của người nghe dành cho nghệ sĩ xứ Dừa” - chị Tuyết Ngân bày tỏ.

Trong những ngày tại đây, Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Ngân và tài tử Mộng Trinh đã trình diễn bài ca cổ Dáng đứng Bến Tre, diễn viên Hoàng Lam đã diễn ngâm bài thơ “Thà đui mà giữ đạo nhà” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu theo lối nói thơ Vân Tiên cùng nhiều tiết mục hát múa giới thiệu về Bến Tre.

Một trong những không gian thu hút đông đảo du khách là trưng bày nhạc cụ từ dừa. Số sản phẩm này do nghệ nhân Ba Bá thực hiện. với tình yêu nhạc cụ dân tộc và tình cảm dành cho quê hương xứ Dừa, ông đã mày mò sáng tạo cho ra đời các nhạc cụ dân tộc từ chất liệu dừa như: đờn cò, đờn tranh, đờn kìm, đờn gáo, đờn bầu… (đã được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam). Từ khoảng 27 nhạc cụ lúc ban đầu (năm 2012) và chỉ từ chất liệu thân cây dừa và gáo dừa, ông đã mở rộng sử dụng thêm chất liệu từ vỏ dừa, mo nang dừa, đến nay bộ nhạc cụ đã có hơn 120 sản phẩm.

“Bộ nhạc cụ này đã từng được mang trưng bày giới thiệu ở tỉnh Bình Dương, Bạc Liêu tại Festival Đờn ca tài tử do các tỉnh này đăng cai. Trong lần trưng bày này, vì đường sá xa xôi nên đoàn đã không thể vận chuyển hết trọn bộ mà chỉ chọn hơn 40 loại đặc trưng để trưng bày. Rất nhiều du khách lần đầu biết đến các nhạc cụ này, đặc biệt là nhạc cụ được chế tác bằng dừa nên mình giới thiệu cặn kẽ để mọi người nắm và thực hành đờn cho họ xem luôn. Tôi cảm thấy rất vui khi được góp vào hoạt động ý nghĩa này” - Nghệ nhân Ba Bá chia sẻ.

Chị Kim Ngân (trái) hướng dẫn đồng bào dân tộc thắt lá dừa thành hình các con vật.  

Quảng bá văn hóa quê hương

Bằng tình cảm của những người con quê hương Đồng Khởi xứ Dừa, lực lượng của đoàn công tác đã hết mình trải nghề giới thiệu cùng du khách, giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa, làng nghề Bến Tre. Trong đó có thực hành nghề làm bánh tráng. Để có được chiếc lò làm bánh tại chỗ đúng cách, cô Hồ Thị Thạnh - thợ làm bánh tráng Mỹ Lồng đã trực tiếp xây lò đất với sự hỗ trợ một số vật liệu của làng. Không gian trải nghiệm nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng - Làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - luôn đông đúc du khách quay quanh tìm hiểu và lần lượt trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của thợ làm bánh Bến Tre.

Chị Mai Lan - du khách Hà Nội vui vẻ nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng và đặc biệt là tự tay mình tráng thử một chiếc bánh. Trông đơn giản nhưng với tôi thật không dễ chút nào, tôi thấy nghề làm bánh này cũng khá công phu và đòi hỏi sự khéo léo. Tôi thấy thật thú vị và ấn tượng. Tôi cũng đã quay clip bằng điện thoại lúc thợ Bến Tre tráng bánh để về giới thiệu cho người thân và bạn bè của tôi”.

Dù phải hướng dẫn liên tục cũng khá mệt nhưng ai cũng rất vui vì xứ Dừa đã được sự quan tâm của du khách. Chị Kim Ngân - thợ chuyên thắt lá dừa đã miệt mài từ chiều đến tối để kịp hoàn thành các sản phẩm lá dừa trưng bày, giới thiệu đến du khách. Đó là những chiếc nón, dĩa, chậu hoa, các con vật… bằng lá dừa. Do phải thắt liên tục nhiều giờ liền nên những đầu ngón tay của chị đã bị trầy xước và có phần sưng đỏ nhưng chị vẫn rất vui vẻ và hào hứng, làm và hướng dẫn du khách cùng làm với mình.

Trong số các hoạt động, không thể không kể đến phần giới thiệu trưng bày về lịch sử 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi. Các tấm pa-nô lớn được thiết kế bắt mắt, dễ nhìn, dễ hiểu, chuyển tải các nội dung đến người xem, tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình, thuyết minh viên của Bảo tàng Bến Tre đã giới thiệu cặn kẽ hơn qua từng phần được trưng bày. Đặc biệt, những câu nói bất hủ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cấp cao nhận định về Bến Tre cũng đã được trang trọng giới thiệu đến đông đảo đồng bào gần xa trong dịp này.

Quê hương Đồng Khởi - xứ Dừa Bến Tre là thế. Và những thế hệ tiếp nối vẫn tiếp tục ngọn lửa Đồng khởi trong hành trình giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử anh hùng trong công cuộc đổi mới, gìn giữ và nâng tầm các giá trị văn hóa, di sản quê hương, mang hình ảnh xứ Dừa đến gần hơn với bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước.

Đoàn Bến Tre đã thiết kế các không gian văn hóa như: Trưng bày giới thiệu về lịch sử phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960, công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, trưng bày nhạc cụ được chế tác bằng dừa, trưng bày sản phẩm và trình diễn thắt lá dừa, viết thư pháp trên vật liệu từ dừa, giới thiệu các sản phẩm từ dừa, quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc và Hát sắc bùa Phú Lễ, đờn ca tài tử, dân ca Bến Tre…

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN