Ấn phẩm “Bến Tre - đất và người”

14/10/2020 - 06:55

BDK - Tỉnh Bến Tre còn có biệt danh là “Xứ Dừa”, “Quê hương Đồng khởi”. Trải qua hơn 300 năm, bằng lao động cần cù, gian khổ và thông minh, sáng tạo, những lưu dân đến Bến Tre đã biến mảnh đất hoang vu, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” trở thành 3 dải cù lao xanh ngát bóng dừa, được cả nước đặt cho biệt danh là quê hương “Xứ Dừa”.

Bìa sách “Bến Tre - Đất và người”.

Cùng cả nước trải qua 2 cuộc kháng chiến, nối tiếp truyền thống những con người thế hệ sau của Bến Tre đã làm nên cuộc Đồng khởi thần kỳ năm 1960. Đó là sáng tạo tuyệt vời ra phương pháp đánh địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị, vũ trang và binh vận, với “Đội quân tóc dài” nổi tiếng cả thế giới, mở đầu phong trào Đồng khởi “long trời, lở đất” trên toàn miền Nam. Từ đó, Bến Tre còn vinh dự được gọi là “Quê hương Đồng Khởi”.

Từ xưa Bến Tre đã nổi danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trong thế kỷ XIX, nơi đây từng được sĩ phu Nam kỳ chọn làm nơi cải táng hài cốt nhà giáo Võ Trường Toản (…- 1792), là nơi “tỵ địa” và an nghỉ của thầy thuốc, nhà thơ, nhà giáo yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Không những thế, Bến Tre còn là quê hương của vị tiến sĩ khai khoa Nam kỳ Phan Thanh Giản (1796 - 1867) và nhà bác học lừng danh Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898)…

Đất Bến Tre màu mỡ, giàu tài nguyên thủy, hải sản. Người Bến Tre không chỉ siêng năng, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống mà còn có cả một tinh thần trượng nghĩa, mến khách, cởi mở, chân tình, thật thà, chất phác. Với việc nghĩa, họ không nề hà thiệt thòi, sẵn sàng xả thân để bảo vệ. Tinh thần ấy, trong suốt chiều dài lịch sử, đất và người Bến Tre đã góp phần làm giàu, phong phú thêm giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất, con người ở Nam Bộ nói riêng, cả nước nói chung.

Sự kiện và nhân vật trong sách Bến Tre - Đất và người là những sự kiện và cá nhân tiêu biểu về tài năng, đạo đức, hoạt động nổi bật ở một hoặc nhiều lĩnh vực trong từng giai đoạn lịch sử. Thông qua họ, có thể khẳng định rằng, suốt trong thời phong kiến và cả trong thời đại hiện nay, người Bến Tre hễ khi tham gia vào nền hành chính nhà nước hoặc tham gia cách mạng đều cả đời làm quan hoặc là người cán bộ chánh trực, thanh liêm, cần mẫn, gương mẫu về đạo đức và lối sống, hiếm người bị phạt hoặc bị truất vì nhũng lạm hoặc những thói hư tật xấu khác. Hầu hết là những người sống có lý tưởng và vì lý tưởng, nhiều người sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý để trọn đời thủy chung, son sắt với con đường mình đã chọn. Đó âu cũng là do Hào khí Đồng Nai hun đúc, ơn sâu kiến tạo nhân tâm của cụ Võ Trường Toản và các bậc hậu hiền trao truyền để được di lưu mãi. Cũng nhờ các thế hệ cha ông gìn giữ, phát huy, biến nó thành cốt cách, thành lý tưởng sống ở đời của người dân Bến Tre.

Quyển sách Bến Tre - Đất và người do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức biên soạn nhằm thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1-1-1900 - 1-1-2020) và 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020), được ra mắt chào mừng và làm quà tặng cho quý đại biểu và khách mời dự Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 -  2025, diễn ra từ ngày 14 đến 16-10-2020.

Đối với các thế hệ người Bến Tre hiện nay, việc xuất bản quyển sách này cũng nhằm phục vụ bạn đọc, cùng suy ngẫm về lịch sử văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên để tự hào và góp phần giáo dục các thế hệ sau tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của ông cha, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh, nhân dân hạnh phúc.

Tập sách có 575 trang, được bố cục thành hai phần chính: Phần một: 265 trang, gồm 2 chương, 63 bài viết, ghi lại truyền thống vùng đất cùng với những sự kiện nổi bật ở Bến Tre từ xưa tới nay. Phần hai: 224 trang, gồm 2 chương, 60 bài viết về danh nhân Bến Tre tiêu biểu trong từng thời kỳ lịch sử (chỉ viết những nhân vật đã qua đời). Phần phụ lục: 48 trang, trong đó có mục “Không thể nào quên”, đề cập những sự kiện lịch sử để nhắc nhớ về một thời kỳ bi thương mà cán bộ và nhân dân Bến Tre bị địch tàn sát, giết hại.

Ban biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng chắc chắn sẽ còn thiếu sót, như trong “Lời giới thiệu” quyển sách, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đã nêu: “Lịch sử vùng đất Bến Tre đã được giới khoa học, khảo cổ học chứng minh có người trú ngụ từ mấy ngàn năm, mà tập trung đông, phổ biến từ hơn ba trăm năm nay. Một công trình hơn 570 trang sách này khó nói hết được đất và người Bến Tre suốt chiều dài lịch sử ấy. Đây chỉ là những điểm xuyết mang tính điển hình, tinh túy nhất, chắt lọc nhất. Dĩ nhiên, vẫn còn những sự kiện, nhân vật khác cũng tiêu biểu, nổi bật, có nhiều đóng góp, nhất là đối với những người còn sống. Trong khuôn khổ kết quả khảo cứu trong vòng hai năm của một tập thể khó tránh khỏi thiếu sót khi đối tượng công trình rất rộng như thế”.

Vũ Hồng Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN