An Khánh đạt chuẩn xã nông thôn mới

15/12/2023 - 06:44

BDK - An Khánh là xã thuộc phía Tây huyện Châu Thành, cách trung tâm huyện khoảng 2km. Xã nằm giữa sông Tiền Giang và sông Ba Lai, có tuyến quốc lộ (QL) 60 và QL.57B đi qua, thuận lợi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay An Khánh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí (TC) và đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM).

Trường Tiểu học An Khánh đạt chuẩn quốc gia.

Tuyên truyền, vận động quyết liệt

Xã An Khánh có diện tích tự nhiên trên 1,92 ngàn héc-ta, có 3.030 hộ dân với hơn 9,8 ngàn nhân khẩu sinh sống ở 8 ấp và 107 tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Phó chủ tịch UBND xã an Khánh Trần Đinh Phúc - Phó trưởng ban Quản lý (BQL) các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xã cho hay: An Khánh đạt chuẩn xã văn hóa năm 2009. Năm 2013, khi triển khai CTMTQG xây dựng NTM, An Khánh có điểm xuất phát thấp và xã tự đánh giá chỉ mới đạt 6/19 TC. Đến năm 2016, xã hoàn thành 10/19 TC; năm 2019, xã hoàn thành 13/19 TC. Đến năm 2023, xã hoàn thành 19/19 TC và đạt chuẩn xã NTM. Trong đó, có nhiều nỗ lực cố gắng vượt trội để đạt các TC về giao thông, môi trường, quốc phòng và an ninh.

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM được thực hiện thường xuyên, sâu rộng đến các ấp và tổ NDTQ. Xã triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như họp, sinh hoạt, tuyên truyền trực tiếp và qua nhóm Zalo của các ấp, tổ NDTQ. BQL xã tổ chức tập huấn cho cán bộ nòng cốt, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về mục đích, nội dung, lợi ích của xây dựng NTM trong quần chúng nhân dân.

Theo Phó chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Huỳnh Thanh Sơn - Phó trưởng BQL các CTMTQG xã: An Khánh thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tích cực gương mẫu đi đầu và đã tạo sự lan tỏa rộng trong quần chúng nhân dân. Trong xây dựng TC số 2 về giao thông, An Khánh đã hoàn thành xong các tuyến đường liên xã dài trên 7km; hoàn thành 3 tuyến đường liên ấp dài hơn 2,5km; hoàn thành hệ thống các tuyến đường tổ, liên tổ dài hơn 4,9km. Xã có nhiều hộ dân đã nhiệt tình bàn giao mặt bằng cho công trình cầu Rạch Miễu 2 và đã được UBND tỉnh khen thưởng.

Hướng tới xã nông thôn mới nâng cao

Sau thời gian nỗ lực xây dựng NTM, đến nay, xã An Khánh đã hoàn thành CTMTQG xây dựng NTM với tổng kinh phí thực hiện trên 66,34 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn. Trong đó, vốn Trung ương và tỉnh 56,5 tỷ đồng, vốn huyện 2,38 tỷ đồng, vốn xã 67 triệu đồng. Đặc biệt, xã đã vận động nhân dân và mạnh thường quân đóng góp trên 7,39 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận cao trong nhân dân, An Khánh đã đạt 19/19 TC xã NTM. Kinh tế tại xã có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 30,5 triệu đồng/năm. Đến nay (cuối tháng 11-2023), thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 56,78 triệu đồng/năm. Hiện xã đã kéo giảm số hộ nghèo đa chiều xuống còn 2,72%. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo được quan tâm đúng mức.

Cơ sở hạ tầng tại xã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Hệ thống giao thông trên địa bàn xã được bê-tông hóa, tổng chiều dài các tuyến đường trên 20km với kinh phí xây dựng hơn 24 tỷ đồng, phục vụ tốt cho nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân.

Các trường mầm non, tiểu học và THCS đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia; trong đó, Trường Tiểu học An Khánh đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các TC về cơ sở vật chất hạ tầng khác như: chợ, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà ở, cảnh quan môi trường… đều được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp đạt chuẩn.

An Khánh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng và phát triển vùng cây ăn trái đặc sản chuyên canh, với 2 chuỗi sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh và dừa. Hiện tại, xã có 8 tổ hợp tác gồm 7 tổ bưởi da xanh và 1 tổ chăn nuôi dê hoạt động hiệu quả. Hợp tác xã nông nghiệp “Người giữ dừa” của xã hoạt động ổn định. An Khánh tập trung phát triển du lịch sinh thái địa phương gắn với nông nghiệp, liên kết với nhiều công ty du lịch như: Làng Xanh, Nhà Bè, Quê Dừa, Miền Tây, Mê Kông… Địa bàn xã hiện có 41 doanh nghiệp và 465 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động hiệu quả. Xã có 3 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.

“An Khánh tiếp tục nâng chất các TC xã NTM và quyết tâm xây dựng đạt xã NTM nâng cao trong năm 2025. Đảng ủy, UBND xã rất mong được sự tiếp tục hỗ trợ của BQL tỉnh, huyện và các ngành, các cấp cùng mạnh thường quân. Đặc biệt là sự đồng thuận hưởng ứng cao trong nhân dân”.

(Chủ tịch UBND xã - Trưởng ban Quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia xã An Khánh
Nguyễn Văn Hoàng)

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN