|
Giờ cấp cơm miễn phí của Tổ từ thiện xã hội. |
Khi biết mỗi ngày có đến 500 - 600 phần ăn được cấp phát cho người bệnh và thân nhân người bệnh, một người phụ nữ xúc động, nói: “Chèn ơi, mỗi năm, nhà tui có cái đám giỗ mời vài chục người thôi mà làm muốn… đứt hơi. Hổng biết Bếp ăn từ thiện này lấy đâu ra tiền và người để làm được suốt như vầy?”. Nghe bà ấy nói vậy, tôi cũng thắc mắc nên tìm hiểu.
“Lá lành đùm lá rách”
Thành lập năm 2004, tính đến nay đã tám năm ròng, Bếp ăn từ thiện (do Tổ từ thiện xã hội tổ chức) tại Bệnh viện Y học Cổ truyền phục vụ cho bệnh nhân cháo sáng, cơm chay ngày 2 buổi trưa - chiều và nước sôi miễn phí. Ban đầu chỉ hơn một trăm suất ăn được phục vụ mỗi ngày, nay con số đó đã tăng đến 500 - 600 suất.
Để có con số trên, mỗi người một ít, ai nấy đều có tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, chung tay làm từ thiện. Riêng chuyện quyên góp hàng bông cũng khá thú vị. Theo anh Huỳnh Thanh Thới - Trưởng ban điều hành, ngoài chợ có chỗ để những người tiểu thương mua bán hàng bông hỉ hiến, khi thì bịch rau, lúc thì mớ bầu, dưa leo... Đến giờ, xe của bệnh viện tới chở về. Việc sắp xếp, cấp phát cơm ở Bếp ăn từ thiện cũng dần đi vào nề nếp.
Chị Nguyễn Thị Loan (Bình Đại) nhập viện đã mấy tuần do bị đau cột sống. Từ hôm vào đây, ngày nào chị cũng ăn cơm của Bếp ăn từ thiện. Hầu hết bệnh nhân khi đến điều trị tại Bệnh viện Y học Cổ truyền đều mắc các chứng bệnh mãn tính, phải nằm viện lâu dài để điều trị. Chị Diệp Mỹ Loan (Mỏ Cày Nam) chia sẻ: Do tuổi cao, ba tôi thường hay đau bệnh. Nhờ nhận cơm ở đây mà chúng tôi tiết kiệm được tiền để lo thuốc thang cho ba. Bên chén cơm và thức ăn còn nóng hổi, chị Loan nghĩ sau này sẽ trở lại đây để cảm ơn và đóng góp cho Bếp ăn từ thiện để họ tiếp tục thực hiện công việc mang nhiều ý nghĩa này.
Từ khi thành lập đến nay, Bếp ăn từ thiện hoạt động chưa một ngày ngơi nghỉ. Vậy điều gì đã giúp Bếp ăn từ thiện từ chỗ “không” thành “có” để giúp ích cho nhiều người như vậy?
Chữ “hòa” làm nên tất cả
Để Bếp ăn từ thiện hoạt động xuyên suốt, ngoài những người đóng góp vật lực còn phải kể đến sự góp mặt của 20 tổ trực phụ trách việc nấu ăn, cấp phát cơm, cháo, nước sôi. Mỗi tổ (từ 10 đến 20 thành viên) phục vụ một tuần. Các thành viên mỗi người sống một nơi nhưng có chung tấm lòng thiện nguyện. Chị Lê Thị Mười, nhà gần Bệnh viện Y học Cổ truyền, thường dành thời gian đến phục vụ ở Bếp ăn từ thiện. Có lẽ chị là người cảm nhận nhiều nhất bầu không khí của “đại gia đình” nơi đây. “Chúng tôi có cùng một tâm niệm là đem niềm vui cho người khác. Đó là mối dây gắn kết mọi người lại với nhau” - chị Mười chia sẻ. Không những người lớn tuổi mà nhiều bạn trẻ cũng tham gia Bếp ăn từ thiện. Có thể kể đến trường hợp của Phan Văn Tài, 23 tuổi ở xã Sơn Định (Chợ Lách). May gia công được 600 - 700 ngàn đồng/tuần, nhưng Tài quyết định nghỉ một tuần để “gia nhập” tổ nấu ăn. Tuy làm không lương nhưng anh thấy vui, vì mình làm được việc tốt.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền cho biết: Người bệnh nằm viện giờ yên tâm vì một phần có bảo hiểm y tế, phần nữa nhờ có Bếp ăn từ thiện phục vụ cho bệnh nhân nghèo hỗ trợ. Những suất ăn ngày một tăng lên. Từ trước đến nay, ở đây chưa xảy ra vấn đề gì về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Nguyệt cho rằng mọi người đã làm từ thiện một cách chân tình, không phô trương, không tính toán. Mô hình “Lá lành đùm lá rách” này từng được Phó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền khen ngợi.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bếp ăn từ thiện đặt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền đã giúp cho nhiều người nghèo ấm lòng trong cơn hoạn nạn.