|
Khu rừng chết ven biển Thạnh Hải (Thạnh Phú). |
Bến Tre được dự báo là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trong cả nước do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, rừng ngập mặn ven biển Bến Tre đóng vai trò to lớn, giúp con người chống chọi trước thực trạng này.
1. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi đã và đang tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này.
Bến Tre nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông và có hệ thống sông ngòi chằng chịt, trên 90% diện tích đất có cao độ địa hình từ 1 - 2m so với mực nước biển; trong đó, vùng cửa sông, ven biển chỉ dưới 1m, thường xuyên ngập triều nên là địa phương dễ bị tổn thương nhất ở nước ta do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từ hiện trạng này, Bến Tre có 5 lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất gồm: nông - lâm - ngư nghiệp; tài nguyên nước; công nghiệp; giao thông vận tải và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt tại đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường, mưa bão, giông lốc có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn.
Ông Erick, cố vấn chương trình môi trường quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre và anh thương binh giữ rừng Lê Văn Nhánh.
2. Cách đây hơn 10 năm, hàng ngày vợ chồng anh thương binh Lê Văn Nhánh bươn chải kiếm sống bằng nghề chài lưới quanh khu vực cồn Ông Lễ, xã An Điền (Thạnh Phú). Mỗi lần qua đây chài lưới, thấy đất dọc cửa sông Hàm Luông này hoang vu, cỏ tranh mọc dày đặc cao tới đầu người, anh mơ ước có một miếng đất nhỏ để cất cái chòi, trồng rau màu, ngày ngày cùng vợ chài lưới bắt tôm cá nuôi con. Anh bèn đến hỏi đơn vị được giao giữ đất rừng xin cất cái chòi và trồng khoai mì. Thấy gia đình anh nghèo khó nên đơn vị này đồng ý cho anh cất cái chòi và giao cho anh giữ 24ha rừng phòng hộ ven cửa sông Hàm Luông.
Rừng phòng hộ ở đây lúc này là rừng bần, mấm mọc tự nhiên, nhiều khu vực bị sóng biển bào dập, cây trơ rễ ngã đổ mà chết. Một số vùng do dân đốn cây làm củi làm cho rừng thưa dần.
Cất chòi ở đây, ngày ngày hứng chịu gió cát tấp vào, anh Nhánh nghĩ đến việc trồng cây phi lao chắn gió. Những cây phi lao đầu tiên do anh trồng phát triển nhanh, không đầy một năm sau cây cao khỏi đầu, reo vi vu trong gió.
Ngoài trồng rừng phi lao, hàng ngày anh và con trai đi nhặt trái đước trôi tấp vào bờ mang về trồng nơi bãi bồi. Cây đước gặp đất phù sa, đâm rễ phát triển nhanh và bãi bồi cồn Ông Lễ trước đây bị sóng biển xói mòn, nay lấn dần ra.
Trong khi đó, sau bão Linda tháng 12-1997, một hiện tượng biến động môi trường bất thường bắt đầu xảy ra ở đai rừng ven biển xã Thạnh Hải (Thạnh Phú). Tại đây, nhất là vào mùa gió chướng gần Tết, cát theo dòng triều cứ tràn lấn vào những vạt đước xanh tươi chắn dọc bờ biển. Cát tiến đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó. Theo ông Phạm Văn Trường - Trưởng Phòng Tổ chức và Quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ tỉnh), sau khoảng 10 năm hiện tượng này xảy ra, đã có 128ha rừng đước tại đây bị xóa sổ! Ngăn chặn tình trạng cát lấn - cát tràn, đây là việc vượt khỏi tầm tay của một ban quản lý rừng cấp tỉnh, ông Trường nói.
3. Nơi ven biển Bến Tre, động thực vật rất phong phú và đa dạng, chúng vừa sống được dưới nước, vừa sống được trên cạn, lại thích nghi với môi trường nước lợ. Các loài giáp xác tại đây phát triển và cho đến lúc sinh sản mới di cư trở ra vùng nước sâu để đẻ. Loài chim cũng vậy, những thảm rừng ngập mặn là nơi chúng tìm đến quần cư, sinh sản như tại sân chim Vàm Hồ, xã Tân Mỹ (Ba Tri) chẳng hạn.
Trong thiên nhiên, đa dạng sinh học, nhất là hệ sinh thái rừng ngập mặn là nơi chủ yếu tích lũy trở lại nguồn khí CO2 phát thải ra, để tạo thành chất hữu cơ. Trong khi đó, con người đã và đang chặt rừng để phát triển sản xuất và mở rộng đô thị. Sự tàn phá rừng không những gây mất cân bằng sinh thái mà còn làm giảm khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp làm tăng thêm lượng khí CO2 phát thải vào khí quyển, góp phần làm cho biến đổi khí hậu toàn cầu tăng nhanh.
Xác định được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, Bến Tre đã xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như: Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351ha tại các huyện: Ba Tri, Bình Đại và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú với diện tích 2.584ha. Đồng thời, Bến Tre đã giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình để trồng, chăm sóc và bảo vệ, từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng; tiến hành nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng các mô hình sản xuất, quản lý, các mô hình phòng chống xói lở an toàn và hiệu quả ở vùng cửa sông, ven biển. Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú đến nay được các nhà khoa học đánh giá là có hệ sinh thái động thực vật đa dạng và phong phú nhất tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tác động biến đổi khí hậu không loại trừ quốc gia nào. Hậu quả của nó sẽ nặng nề hơn mà con người khó có thể lường trước được. Vì vậy, khôi phục, phát triển và bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống rừng ngập mặn ven biển để thực sự là lá chắn sinh học cho quá trình phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cả cộng đồng.
Theo các kịch bản biến đổi khí hậu thì vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2 - 3 độ C, mực nước biển có thể dâng thêm từ 75cm đến 1m. Khi ấy, sẽ có khoảng 40% diện tích ở đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển bị ngập; khoảng 12% dân số cả nước bị ảnh hưởng trực tiếp và gây tổn thất khoảng 10% GDP. |