Ai Cập từ chối lời kêu gọi của Mỹ gửi vũ khí cho Ukraine

15/08/2023 - 21:07

Ai Cập trước đó đã bỏ kế hoạch gửi tên lửa tới Nga dưới áp lực của Mỹ.

Ai Cập đã cố gắng không đứng về phía nào kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Ảnh: TASS/REUTERS

Theo tờ Wall Street Journal mới đây, các quan chức Ai Cập và Mỹ cho biết sau khi Cairo đồng ý sẽ không gửi vũ khí cho Nga, nước này hiện đang từ chối lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo cấp cao ở Washington viện trợ quân sự tới Ukraine, điều gây trở ngại cho nỗ lực sản xuất vũ khí của chính quyền Biden nhằm đảm bảo cho cuộc phản công của Kiev.

Theo các quan chức Ai Cập, nước này ban đầu dự định gửi tên lửa tới Nga nhưng đã hủy bỏ kế hoạch đó do áp lực từ Mỹ vào đầu năm nay. Những quan chức Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, đã đề nghị Ai Cập cung cấp vũ khí cho Kiev thay vì tìm cách giúp Chính phủ Ukraine khắc phục tình trạng thiếu đạn dược.

Bộ trưởng Austin đã đưa ra yêu cầu trên khi gặp Tổng thống Ai Cập, Abdel Fattah Al Sisi tại Cairo hồi tháng 3 năm nay. Các nhà lãnh đạo của Ai Cập vào thời điểm đó không đưa ra cam kết và những quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần đưa ra đề nghị này trong các cuộc gặp tiếp theo kể từ đó.

Mỹ đã đề nghị Ai Cập cung cấp đạn pháo, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và vũ khí hạng nhẹ cho Ukraine, theo một quan chức Mỹ. Trong các cuộc gặp với những quan chức Mỹ, Ai Cập đã không từ chối dứt khoát, nhưng các quan chức Ai Cập nói riêng ngoài lề rằng họ không có kế hoạch gửi vũ khí.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét Ai Cập đang "hành động như một đối tác hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài ở Ukraine". “Chúng tôi thấy những cuộc thảo luận này với Ai Cập là hữu ích. Trên một loạt các cuộc thảo luận ngoại giao, phản ứng của Ai Cập đã chứng tỏ là một đối tác mạnh mẽ của Mỹ”, quan chức này nói.

“Đây không phải là những vấn đề đơn giản hay nhanh chóng và các cuộc thảo luận của chúng tôi với các đối tác Ai Cập về lợi ích chung trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine là hiệu quả và vẫn đang diễn ra", quan chức trên nói thêm.

Về phần mình, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ: “Sự hợp tác của chúng tôi với Ai Cập về một loạt vấn đề, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine, là sâu rộng và tích cực. Mặc dù chúng tôi sẽ không thảo luận về vấn đề ngoại giao nhạy cảm, nhưng bất kỳ thông tin nào ngược lại đều hoàn toàn sai sự thật".

Tuy nhiên, sự từ chối của Ai Cập trên là một trở ngại đối với nỗ lực toàn cầu của Washington nhằm cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine vào thời điểm quan trọng của cuộc xung đột. Các lực lượng Ukraine đang tìm cách vượt qua các phòng tuyến kiên cố của Nga trong một nỗ lực được coi là rất quan trọng đối với kết quả của cuộc chiến. Washington cũng đang tìm cách tập hợp sự hỗ trợ về ngoại giao và vật chất cho Ukraine.

Mỹ cũng đã can thiệp sâu vào kho dự trữ toàn cầu của mình để cung cấp đạn pháo cho Ukraine. Pháo binh là một trong những vũ khí quan trọng nhất trong cuộc giao tranh, phần lớn diễn ra trên những vùng đất rộng lớn ở miền Đông và miền Nam Ukraine.

Ai Cập đã tìm cách không đứng về phía nào kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, duy trì quan hệ hữu nghị với Moskva. Tổng thống Sisi có mối quan hệ cá nhân nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Phi ở St. Petersburg vào tháng 7 vừa qua. 

Ai Cập cũng mua phần lớn lúa mì từ Nga và Moskva đang tìm cách tăng doanh số bán hàng sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận vào tháng trước, vốn cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Việc Chính phủ Ai Cập không cung cấp vũ khí tới Ukraine cho đến nay đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các thành viên Quốc hội Mỹ, những người đang gây áp lực buộc chính quyền Biden không cung cấp 320 triệu USD trợ quân sự nhằm duy trì áp lực đối với Cairo. Mỹ cung cấp cho Ai Cập 1,3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm, với một phần nhỏ được quy định dựa trên "thành tích nhân quyền" của Cairo.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN