Agribank Bến Tre đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân

22/01/2024 - 13:35

BDK.VN - Năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bến Tre (Agribank Bến Tre) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Về quy mô nguồn vốn đứng thứ 2 (sau Tiền Giang) khu vực; quy mô tín dụng đứng thứ 3 khu vực (sau Long An, Đồng Tháp). Các số liệu bình quân đầu người đều cao hơn mức bình quân khu vực và nằm ở nhóm trên khu vực.

Khách hàng đến giao dịch tại Agribank. Ảnh: Trần Quốc

Tiên phong triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng

Theo Phó giám đốc phụ trách Agribank Bến Tre Phan Minh Châu, năm 2023, chi nhánh đã tiên phong triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Agribank để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Agribank đã thực hiện 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản vay phát sinh mới. Agribank triển khai 9 chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi. Trong đó, có  2 chương trình do chi nhánh tự chủ động triển khai, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (NTM) và cho vay chuỗi giá trị, với lãi suất thấp hơn từ 0,2 - 0,5% so lãi suất thông thường. Tổng số tiền đã giảm lãi suất để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng trong năm 2023 là 61,5 tỷ đồng.

Agribank Bến Tre đã triển khai rất tốt dịch vụ thu hộ học phí của các trường học trên địa bàn tỉnh (345 trường/529 cơ sở giáo dục của tỉnh) qua cổng kết nối ASC của Công ty cổ phần Tiến bộ Sài Gòn, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh; tham gia tuyến phố không dùng tiền mặt, ký kết thỏa thuận hợp tác với Tỉnh đoàn thực hiện công tác CĐS...

Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Thạnh Phú Phạm Hoài Vũ cho biết, thời gian qua, Agribank Thạnh Phú đã phối hợp với Huyện đoàn Thạnh Phú triển khai các “Chợ dân sinh 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)” và xây dựng 2 mô hình “Tuyến phố không tiền mặt”, tiến hành tuyên truyền đến 100% cơ sở kinh doanh, dịch vụ và người dân về TTKDTM. Qua đó, mở mới và cấp thẻ gần 1 ngàn tài khản thanh toán, tạo 352 mã QR thanh toán, lắp đặt 31 máy POS cho các hộ kinh doanh trên địa bàn, nhằm khuyến khích người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ sử dụng các hình thức thanh toán tiện lợi, hiện đại khi mua sắm, giao dịch thanh toán. Đến nay, có khoảng 85% sử dụng thường xuyên các giải pháp TTKDTM.

Agribank Thạnh Phú đã phối hợp với công an đến từng xã thực hiện cấp định danh mức điện tử mức 2. Song song đó, mở tài khoản thẻ cho người dân và hướng dẫn sử dụng tài khoản để thanh toán các dịch vụ công trực tuyến, góp phần chuyển đổi thói quen không dùng tiền mặt của người dân. Agribank Thạnh Phú đã cung cấp ứng dụng thanh toán học phí và tài trợ miễn phí cho 58/60 cơ sở giáo dục và trung tâm giáo dục trên địa bàn huyện. Tổng doanh số thanh toán các trường đạt 8,15 tỷ đồng. Mở gần 4 ngàn tài khoản thanh toán miễn phí cho phụ huynh, học sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh học sinh thanh toán học phí. Ngoài ra, Agribank Chi nhánh huyện Thạnh Phú còn phối hợp với trung tâm y tế huyện, bảo hiểm xã hội, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông mở các tài khoản thanh toán cho người dân để nhận trợ cấp, thu viện phí, tiền điện, tiền nước... bằng phương thức TTKDTM.

Phấn đấu tăng trưởng tín dụng ở mức từ 15% trở lên

Phó giám đốc phụ trách Agribank Bến Tre Phan Minh Châu cho rằng, bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, Agribank còn quan tâm và đồng hành cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội (ASXH). Mỗi năm, Agribank Bến Tre đều dành hàng tỷ đồng từ nguồn kinh phí do Agribank phân bổ, kinh phí trích từ lợi nhuận của chi nhánh và người lao động chi nhánh đóng góp lương để thực hiện công tác ASXH. Chỉ tính riêng năm 2023, Agribank Bến Tre đã thực hiện công tác ASXH, với số tiền 7,3 tỷ đồng, gồm: tài trợ 2 xe cứu thương cho 2 Trung tâm Y tế Thạnh Phú và Chợ Lách; 40 căn nhà tình thương, trị giá 2 tỷ đồng và tài trợ cho y tế, giáo dục...

Phát biểu tại hội nghị triển khai hoạt động kinh doanh năm 2024 của Agribank Bến Tre, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho rằng: Năm 2023, Agribank Bến Tre tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong thực hiện có trách nhiệm các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Agribank tăng trưởng tín dụng khá so với các tổ chức tín dụng trên địa bàn (đạt 12,55%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành. Song song đó, Agribank cũng đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (0,87%). Đơn vị tiên phong, đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN Việt Nam như: Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ xây dựng NTM, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, cho vay qua tổ vay vốn, cho vay theo chuỗi liên kết giá trị, cho vay thực hiện chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp, cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP… Đơn vị đã quyết liệt, có nhiều giải pháp sáng tạo trong thực hiện chủ trương CĐS, đẩy mạnh TTKDTM trên địa bàn, điển hình như hoạt động tham gia xây dựng hai tuyến phố không dùng tiền mặt, triển khai dịch vụ thu hộ học phí của các trường học trên địa bàn qua cổng kết nối ASC...

 Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành, năm 2024, trong bối cảnh dự báo nền kinh tế và hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động Agribank Bến Tre quan tâm, tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm: Bám sát Chỉ thị số 01 của Thống đốc NHNN, các chỉ đạo của NHNN tỉnh, chỉ tiêu kế hoạch được Hội sở chính giao để xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp và tổ chức triển khai, quán triệt ngay từ đầu năm 2024. Phát huy lợi thế ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước có mạng lưới hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng ở mức từ 15% trở lên, đi kèm với tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý hiệu quả nợ xấu. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò của các tổ vay vốn. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi…), góp phần hạn chế tín dụng đen. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản lý nhân sự trong toàn hệ thống. Phòng ngừa các rủi ro, vi phạm có thể phát sinh, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, an toàn kho quỹ. Nâng cao trách nhiệm của người thẩm định, xét duyệt khoản vay.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng, hạn chế trường hợp khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về hoạt động bảo hiểm. Tuyên truyền, vận động cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng, không để xảy ra phản ánh cán bộ, nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Tiếp tục đồng hành với tỉnh, với ngành trong công tác ASXH, đền ơn đáp nghĩa.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN