8 điều giúp bạn tạo thiện cảm khi phỏng vấn xin việc
24/01/2025 - 15:53
Sự thành công của buổi phỏng vấn xin việc phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Mỗi ứng viên không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc, kinh nghiệm thực tế qua các dự án mà còn phải có thái độ và tác phong tốt. Vì vậy, để được nhà tuyển dụng ghi nhận và đánh giá tốt, bạn không nên bỏ qua 8 cách tạo thiện cảm khi phỏng vấn trong bài viết sau.
Đến đúng giờ
Đúng giờ là quy tắc quan trọng trong bất kỳ cuộc hẹn nào, kể cả phỏng vấn tuyển dụng ở Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Việc đến sớm khoảng 10 - 15 phút không chỉ thể hiện sự tôn trọng với nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn ổn định tinh thần, tránh căng thẳng và hồi hộp trước khi bước vào phòng phỏng vấn.
Vì vậy, hãy ghi nhớ đúng thời gian mà nhà tuyển dụng đã thông báo. Trong trường hợp bạn có lý do bất khả kháng không thể tham gia theo lịch đã định sẵn thì nên chủ động liên hệ với họ để sắp xếp lịch hẹn khác.
Tắt chuông điện thoại
Một trong những sai lầm mà bạn không nên mắc phải khi đang phỏng vấn chính là để chuông điện thoại reo. Điều này sẽ vô tình làm gián đoạn cuộc trao đổi nghiêm túc giữa bạn và nhà tuyển dụng.
Hơn hết, bạn có thể bị đánh giá là ứng viên thiếu chuyên nghiệp, từ đó nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng không tốt về bạn.
Giao tiếp thân thiện, lịch sự
Để tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng ngay từ những giây phút đầu tiên, bạn nên chủ động chào hỏi những người trong phòng phỏng vấn một cách lịch sự, thân thiện và nở nụ cười tươi.
Một thái độ tích cực và cởi mở còn giúp không khí buổi phỏng vấn trở nên thoải mái và vui vẻ, nhờ đó giúp bạn trả lời câu hỏi bình tĩnh và tự tin hơn.
Trang phục và tác phong chuyên nghiệp
Vẻ ngoài của ứng viên là yếu tố tạo nên ấn tượng đầu tiên trong mắt nhà tuyển dụng. Vì vậy, khi đi phỏng vấn xin việc, bạn hãy chuẩn bị cho mình một bộ trang phục chỉn chu và phù hợp với môi trường làm việc của nơi mình ứng tuyển.
Cùng với đó, bạn cũng cần đảm bảo tóc tai gọn gàng, không nên trang điểm quá đậm hay xịt nước hoa quá nồng.
Thể hiện bản thân một cách tự tin và thẳng thắn
Nhà tuyển dụng thường có ấn tượng tốt với những ứng viên có phong thái tự tin và bản lĩnh. Bạn có thể thể hiện khía cạnh này của bản thân bằng cách trả lời câu hỏi một cách rõ ràng, rành mạch và hạn chế ấp úng.
Hãy thẳng thắn chia sẻ về những điểm mạnh và điểm yếu cùng những kỹ năng, kinh nghiệm mà bạn đã tích lũy được từ trước đến nay. Lưu ý rằng bạn không nên quá phóng đại về năng lực mà nên trung thực thừa nhận thiếu sót của mình và cho thấy bạn đang không ngừng nỗ lực để cải thiện tốt hơn.
Tránh nói những điều mang tính phủ định, tiêu cực
Mặc dù bạn có thể chia sẻ về những khó khăn trong quá trình làm việc trước đây nhưng đừng nói quá nhiều về những trải nghiệm tiêu cực. Việc than phiền hay nói xấu công ty và đồng nghiệp cũ sẽ khiến bạn bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Thay vào đó, bạn nên trả lời một cách trung lập, thể hiện tinh thần ham học hỏi và mong muốn phát triển bản thân trong tương lai. Đặc biệt, bạn cần tránh dùng những cụm từ mang tính tiêu cực như “không thể”, “không biết” hay “không làm được” vì có thể bạn sẽ bị đánh giá là người năng lực kém và thiếu sự cầu tiến trong công việc.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực
Song song với lời nói, ngôn ngữ cơ thể cũng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp. Những cử chỉ và hành động nhỏ như bắt tay, nụ cười, ngồi thẳng lưng... đều có thể tạo sự chú ý với nhà tuyển dụng.
Vì vậy, hãy trở nên chuyên nghiệp và năng lượng hơn bằng việc thả lỏng cơ thể, duy trì giao tiếp bằng mắt và cử chỉ tay tự nhiên trong suốt quá trình phỏng vấn. Bên cạnh đó, bạn nên tập bỏ thói quen ngồi khom lưng, khoanh tay trước ngực hoặc rung chân vì điều đó dễ gây cảm giác khó chịu với người đối diện.
Gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn
Sau buổi phỏng vấn, dù chưa biết kết quả cuối cùng nhưng bạn vẫn nên chủ động gửi email cảm ơn cho nhà tuyển dụng. Một lời cảm ơn ngắn gọn bày tỏ sự biết ơn và tôn trọng thời gian, công sức của nhà tuyển dụng, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm đến công việc sẽ góp phần gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Lời khuyên cho bạn là nên gửi thư trong vòng 24 giờ kể từ kết thúc phỏng vấn để nhà tuyển dụng nhớ ngay về bạn.
Việc tạo thiện cảm trong buổi phỏng vấn xin việc sẽ giúp bạn đến gần hơn với cơ hội được làm việc trong môi trường yêu thích. Do đó, song song với việc trau dồi kỹ năng chuyên môn, bạn cũng cần học cách thể hiện bản thân một cách tinh tế, lịch sự và chuyên nghiệp. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng chú ý và có cái nhìn tốt về bạn hơn.