Bất kể ngày, đêm hay mưa gió, hễ có người tới gõ cửa cầu cứu vì bị rắn độc cắn là ông sẵn lòng giúp đỡ. Ông làm nghề gia truyền không lương này đã hơn 65 năm qua, bằng cả tấm lòng của một người thầy thuốc, ông đã cứu hàng trăm người thoát chết. Người ta thường gọi ông với cái tên quen thuộc “Thầy rắn Năm Lợi”.
Theo hướng dẫn của bà Trần Thị Phương, Chủ tịch Hội Đông y huyện Ba Tri, chúng tôi đến nhà của ông Trương Văn Lợi (Năm Lợi) vào một ngày trung tuần tháng 8-2010. Đó là một căn nhà tường cấp 4, khang trang ở ấp 6, xã Bảo Thạnh (Ba Tri). Biết có khách tìm ông Năm để nghe nói chuyện trị rắn độc cắn, một số người là bệnh nhân (đã khỏi bệnh) và chòm xóm cũng tới nghe.
Thầy thuốc rắn là một lão ông nhanh nhẹn. Quê gốc Bảo Thạnh, sinh năm 1915, từ lúc còn nhỏ, ông Năm đã theo cha tập làm thuốc, chữa bệnh cho người. Đến nay, ông đã có dư 65 năm hành nghề thuốc rắn gia truyền và cũng không nhớ mình đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân. Ông Phạm Văn Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Thạnh cho biết: “Ông Năm là người có tay nghề cao, cứu được rất nhiều người; có trường hợp người bệnh tới đây đã trào đờm, trợn trắng mắt, tưởng như đã…, nhưng ông Năm đã cứu họ sống. Trừ phi, người bệnh ở quá xa, chở tới đây quá trễ thì mới không trị được”.
Ông Năm Lợi đang chữa bệnh cho người bị rắn độc cắn.
Kể về trường hợp bị rắn độc cắn, anh Ngô Văn Tuấn (SN 1974, ngụ ấp 5, xã Bảo Thạnh) xúc động: “Cách đây khoảng 5 năm, sáng hôm đó, tôi đang móc đất chuẩn bị bơm nước ruộng thì bị rắn cắn vào tay, tôi cố đi khoảng 200m lại chòi của người cậu và được buộc garô, chở tới nhà ông Năm. Đến nơi, tôi như bị mất hết cảm giác… Chừng khi khỏi bệnh, nghe nhiều người kể lại, lúc đó tôi đã sùi bọt mép”. Tuấn cười tươi: “Chuyện xảy ra đã mấy năm, nay tôi cũng mạnh đùng, mập lù đó chứ”. Nghe vậy, ông Năm nói: “Chú bị con rắn hổ mốc ngoặm. Sau khi cắn người, nó bị một thanh niên ở gần dùng cây chèn ngang cổ bắt, cân nặng hơn một ký”. Trường hợp của chị Phạm Thanh Nguyên (30 tuổi, ấp 5, Bảo Thạnh), xảy ra vào cuối năm 2009, khi đang gánh nước ngoài ruộng cách nhà khoảng 20m thì bị rắn cắn. “Hồi tôi đưa con gái tới nhà ông Năm là nó đã trào đờm, chết đi sống lại ba chập. Cũng may, nhờ có ông Năm mà nó được cứu sống”, ông Quang, cha của chị Nguyên nhớ lại. Ở ấp 2, xã Tân Xuân có anh Lê Văn Tào (SN 1975) làm nghề nông. Một chiều cuối năm 2005, anh Tào đi ruộng về ngang bụi tre thì bị rắn dữ phóng ra cắn, anh kịp nhìn thấy con rắn to bằng cổ tay. Tào được những người dân ở gần sơ cứu bằng cách buộc garô, chở đi tìm thầy. Dọc đường, nọc độc rắn phát tán làm cho mắt Tào trợn trắng, khi tới nhà ông Năm, hai chân anh đã xụi lơ, cứng họng… Tào đã thoát chết nhờ kinh nghiệm dày dạn và bàn tay khéo léo của thầy Năm “rắn”.
Ngồi bên bàn trà, chúng tôi nghe ông Năm kể chuyện làm thuốc, điều trị bệnh. “Tôi không nhớ hết đã điều trị bệnh cho bao nhiêu người, riêng trong năm 2001 có khoảng hơn trăm người, nhiều nhất là vào mùa nước nổi, có gió chướng thổi”, ông Năm nhớ lại. Những ngày có nhiều người tới cấp cứu, ông không có thời gian để tắm, đành phải ở trần mà tiếp bệnh, vì lỡ chậm tay giây lát sẽ dẫn đến chết người. Hoặc những đêm mưa gió, nếu có người gọi cửa thì ông phải thức dậy làm việc cho tới khi con bệnh qua khỏi cơn hiểm nghèo. Tôi hỏi khoản tiền thù lao người bệnh trả cho ông khi bệnh khỏi, ông cho biết: “Nghề của tôi chủ yếu là làm phước, tôi chỉ lấy tiền để mua thuốc dành điều trị cho người tới sau, nhưng cũng có nhiều người nghèo quá, đâu có tiền mà trả”. Thông thường, những vị thuốc này được ông Năm mua ở các tiệm Đông y, đem về pha chế theo bí quyết gia truyền và kinh nghiệm bản thân để điều trị bệnh. Trong suốt mấy mươi năm hành nghề, ông đã điều trị cho rất nhiều người, với đủ lứa tuổi, thành phần và chỗ ở khác nhau, nhiều nhất là các nơi gần xã Bảo Thạnh như: Tân Xuân, Phú Ngãi, Phú Lễ (Ba Tri); Thừa Đức, Thạnh Phước, Thới Thuận (Bình Đại). Có một số người theo ông học nghề, nhưng sau một thời gian do không chịu được gian khó nên họ đã bỏ dở. Hiện tại, ông chỉ có người con trai ruột là Trương Văn Chòi (Bảy Chòi) nối nghiệp.
Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Hội Đông y huyện Ba Tri cho biết: “Ông Năm Lợi là người rất nhiệt tình, tận tụy với công việc và không giấu giếm nghề. Ông đã từng viết bài về kinh nghiệm điều trị rắn độc cắn, gửi Hội Đông y tỉnh để phổ biến cho học viên học tập. Quá trình làm việc, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp. Năm 2009, ông được Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
SƠ CỨU KHI BỊ RẮN CẮN
- Bước 1: Rửa nhanh vết cắn bằng nước sạch (có chanh hoặc xà phòng càng tốt).
- Bước 2: Buộc garô phía trên vết cắn.
- Bước 3: Dùng lưỡi lam hoặc dao bén (sạch) rạch chỗ vết cắn hình chữ thập (+), nặn máu.
- Bước 4: Nhai lá cây (có vị chát) nuốt nước, dùng bả đắp lên vết thương. Khoảng 15 phút sau, nới garô ra một chút rồi buộc lại liền.
Sau khi sơ cứu, cần chở người bị rắn cắn tới cơ sở y tế hoặc thầy thuốc rắn gần nhất. Tuyệt đối không cho người bệnh tiếp xúc với khói (thuốc lá). Cần nhớ, khoảng 15 phút nới garô một lần, xong buộc lại liền. |