Nhân sự kiện bưởi da xanh của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ

6 năm cho một cuộc hành trình

01/12/2022 - 11:13

BDK.VN - Trong buổi gặp gỡ thân mật mới đây, chị Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu (doanh nghiệp (DN) vừa xuất khẩu lô hàng khoảng 39 tấn bưởi da xanh (BDX) đầu tiên của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ), cho biết: Để xuất khẩu được lô hàng này, Việt Nam đã mất 6 năm chuẩn bị. Đây là khoảng thời gian cho công tác đàm phán với phía Mỹ, riêng việc xây dựng vùng sản xuất BDX theo quy trình của đối tác yêu cầu với những chuẩn mực “hết sức khắc khe”; để được cấp mã số vùng trồng, công ty đã phải tiến hành từ nhiều năm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu - đơn vị xuất khẩu lô bưởi da xanh sang Mỹ.

Chia sẻ của “thủ lĩnh” trẻ

Trời 6 năm à”? Với cảm nhận chúng tôi thì đây thật sự là khoảng thời gian dài quá. Trước ngạc nhiên này của chúng tôi, chị Ngô Tường Vy cười bảo, vậy là đâu có dài lắm đâu. Khi đưa trái vú sữa sang thị trường Mỹ, công ty mất 10 năm, xoài mất 8 năm… Công ty có 6 loại trái cây được xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới và thị trường Mỹ như chôm chôm, sầu riêng, nhãn, thanh long, xoài, vú sữa. Và hiện nay, có thêm BDX. Đây cũng là loại trái cây đầu tiên của cả nước, là loại trái cây “đặc sản” của tỉnh vinh dự được xuất khẩu sang thị trường khó tính này.

Từ năm 2013, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (tên công ty trước đây), với những tìm hiểu và kinh nghiệm của mình đã “nhắm” đến việc xây dựng quy trình canh tác một số loại trái cây là thế mạnh của tỉnh theo các chuẩn mực với yêu cầu “khắc khe” của thị trường các nước châu Âu và Mỹ như sản xuất theo chuẩn GlobalGAP trên cây chôm chôm tại huyện Chợ Lách. Trong lần xây dựng mô hình với quy trình và chuẩn mực canh tác này, lúc đầu bà con tham gia rất nhiệt tình và xây dựng lòng tin rất cao. Tuy nhiên, đến khi công ty thu mua thì lại khác, bà con bán sản phẩm cho các thương lái bên ngoài dù giá cả chỉ cao hơn công ty thu mua vào vài ngàn đồng. Trong khi đó, việc bỏ vốn xây dựng mô hình và việc để được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP, công ty đã hỗ trợ bà con đến hàng trăm triệu đồng. Như vậy, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu “lỗ nặng” bởi hợp đồng với bà con lúc bấy giờ “còn quá đơn điệu”, chưa có sự ràng buộc tính pháp lý. “Nhưng dù sao, công ty cũng đã mang đến cho bà con nông dân nhà vườn huyện Chợ Lách “một tư duy mới” - biết được một quy trình canh tác mới theo hướng sản xuất an toàn và bền vững. GlobalGAP lúc bấy giờ là một chuẩn mực, quy trình cánh tác, lần đầu được công ty áp dụng thực tế khi xây dựng mô hình ở huyện nhà. Điều này đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác cũ của người dân. Vấn đề mà khi gặp phải, ai cũng bảo là “rất khó thay đổi”. Quan điểm của công ty biết là “khó” nhưng phải làm, vì khó mà không làm thì bao giờ trái cây của tỉnh ta mới được vươn xa ra thế giới”, chị Ngô Tường Vy cho biết.

Chị Ngô Tường Vy khẳng định với chúng tôi rằng, trái cây của tỉnh ta nói riêng và trái cây của Việt Nam nói chung là chất lượng rất tốt, được thị trường nhiều nước trên thế giới đánh giá cao khi được phép xuất khẩu. Thị trường các nước châu Âu và nhất là thị trường Hoa Kỳ đặt ra những yêu cầu rất nghiêm ngặt, trong đó có vấn đề về mẫu mã, quy trình sản xuất, mã số vùng trồng, chất lượng, kích thước đồng đều, dư lượng chất hóa học (thuốc bảo vệ thực vật)… Và dĩ nhiên, để thâm nhập vào thị trường các nước này, doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học và cả chính quyền phải cùng bắt tay vào cuộc để xây dựng cho sản phẩm trái cây đạt chuẩn. Hội nhập và vươn ra thế giới là vậy. Sân chơi đều có những quy chuẩn rất khắc khe mà chúng ta buộc phải có, nếu muốn tham gia.

Từ năm 2013 đến nay, Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu rất chú ý đến việc xây dựng mô hình canh tác với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hướng đến sản xuất an toàn và bền vững. Theo chị Ngô Tường Vy, đây là một xu thế tất yếu, chung nhất của rất nhiều thị trường trên thế giới về một chuẩn mực sản xuất an toàn - sạch - bền vững. Mà không riêng gì các thị trường thế giới, ngay trong chính thị trường tiêu thụ nội địa của nước ta, yêu cầu này cũng được đặt ra nghiêm túc bởi các siêu thị lớn. Chính bản thân của công ty cũng mong muốn như thế. Yếu tố an toàn phải luôn đặt lên hàng đầu.

Trăn trở với việc đưa trái cây của tỉnh vươn ra thế giới và sự thành công mỹ mãn ấy của một vị “thủ lĩnh” trẻ tuổi như chị Ngô Tường Vy làm cho tôi đáng kính. “Em có học đại học nhưng không học hết đại học. Hồi đi học đã lường biết được là mình nên học những gì để sau này về gia đình làm việc thôi, chị Tường Vy bộc bạch.

Là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh đoàn 2 nhiệm kỳ, là Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp tiên phong của tỉnh, với tư duy mới ấy của một “thủ lĩnh” trẻ, thật đáng trân trọng.

"Tâm đắc” của nông dân trồng bưởi

Tổ hợp tác (THT) BDX Hiệp Lợi thuộc ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành được thành lập từ tháng 6-2013. Đến nay, THT được phát triển và kết nạp được 69 thành viên. Đây là một THT hoạt động có hiệu quả được huyện và tỉnh đánh giá cao với việc sản xuất, bao tiêu đầu ra - đầu vào cho bà con rất ổn định. Ông Vương Thành Công - Tổ trưởng THT BDX Hiệp Lợi cho biết: “Trong số 69 thành viên của THT thì có 42 thành viên tham gia Hợp tác xã (HTX) BDX của tỉnh. Trong sự kiện xuất lô hàng BDX đầu tiên của tỉnh sang thị trường Hoa Kỳ, THT BDX Hiệp Lợi có 2 thành viên vinh dự ngay từ đầu được chọn tham gia vào quy trình sản xuất theo quy chuẩn của thị trường khó tính này. Đó là hộ của tôi và hộ chị Trần Thị Mừng với tổng diện tích canh tác 1,8ha. Đây là diện tích đất canh tác BDX được cấp mã số vùng trồng và đạt chuẩn xuất khẩu”.

Sự tâm đắc của người nông dân trồng bưởi.

Là một nông dân có hàng chục năm gắn bó với cây BDX, ông Vương Thành Công chia sẻ về quy trình canh tác đạt chuẩn xuất khẩu. Ông bảo, đã là chuẩn, là quy trình thì bà con chúng ta phải tuân theo, phải làm theo yêu cầu đặt ra đối với sản phẩm của mình mà đối tác họ mong muốn. Thật ra thì cũng chẳng có gì khó khăn lắm, những tiêu chuẩn đặt ra bà con đều làm được. Sản xuất phải an toàn và bền vững là yếu tố hàng đầu. Quy trình canh tác là làm sao để bà con cho ra sản phẩm đồng đều, có chất lượng, mẫu mã đẹp.

Ông Vương Thành Công thông tin thêm: Nhiều năm tham gia sản xuất theo quy trình mà phía đối tác yêu cầu, tôi rất tâm đắc và rút ra nhiều kinh nghiệm. Nói cho dễ hiểu hơn như nông dân chúng tôi, quy trình sản xuất đó theo hướng hữu cơ - một phương pháp canh tác bền vững cho nông nghiệp mà hiện nay được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại cây trồng như dừa, BDX, trồng rau màu… Không phải người ta không cho mình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mà việc sử dụng thuốc phải theo danh mục cho phép của phía đối tác đưa ra. Nhiều yếu tố khác như yêu cầu là mãnh vườn thì không được thả gia súc, gia cầm, có thảm thực vật che phủ, có kho chứa vật tư, kho ủ phân… như vậy, bà con đều làm được.

Từ tập quán canh tác cũ là khi có bệnh là tôi buộc phải phun thuốc, sử dụng thuốc BVTV vô tội dạ, nhiều khi khu vườn chưa có bệnh nhiều thì cũng phun để bảo vệ cây trồng - khi nghe có dịch bệnh. Trong sử dụng phân bón thì phân vô cơ là chính bởi loại phân này kích thích cây sinh trưởng nhanh, mãnh vươn tươi tốt là bà con ta ai cũng chịu. Tất cả đều sai lầm. Từ sau hơn hai năm chuyển sang quy trình canh tác mới, lúc đầu đúng là cây bưởi bị “sốc”, sinh trưởng chựng lại. Tuy nhiên, sau một thời gian dùng phân bón hữu cơ (có một phần phân vô cơ) thì cây bưởi bắt đầu thích nghi và xinh tươi trở lại, cho trái ổn định, chất lượng lại càng tốt hơn. Khi sử dụng phân hữu cơ, phun thuốc và bón phân đúng lúc, đúng thời điểm… bà con nông dân sẽ giảm đi rất nhiều cho chi phí đầu vào. Và vì như thế, bà con có lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, việc dùng phân vô cơ nhiều cũng sẽ dẫn tới tuổi thọ của cây bưởi ngắn lại, mau suy. Phân vô cơ là thế “bạo phát, bạo tàn”, sản xuất không bền vững.

Nếu sự hợp tác bền vững, lâu dài và ổn định giữa nông dân với doanh nghiệp, một sự hợp tác cùng có lợi của hai bên thì bà con nông dân chúng tôi sẻ đồng hành cùng với doanh nghiệp, gắn bó dài lâu hơn. Chỉ sợ sản xuất rồi không ai mua như hiện nay ở một số nhà vườn thì người nông dân chịu thiệt”, chú Vương Thành Công trăn trở.

Điều trăn trở này của chú hoàn toàn có cơ sở bởi những tháng đầu năm 2022, thị trường xuất khẩu gần như bị “đóng băng”, nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh và cả nước bị khựng lại, thị trường trong nước tiêu thụ không hết, giá cả tụt giảm. Đời sống bà con nông dân gặp khó khăn. Thực tế không ít bà con “vì cái lợi trước mắt” mà phá vỡ khi bán sản phẩm cho thương lái khác. Có thể nói, từ vấn đề xuất khẩu trong năm 2022 là một bài học lớn cho tất cả nhà vườn. Doanh nghiệp gặp khó về thị trường thì hàng nông sản của bà con theo đó cũng khó tiêu thụ. Nhưng ngược lại, những bà con nào tham gia sản xuất theo quy trình hữu cơ, đạt chuẩn xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ thu mua.

"Tôi thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có chế tài, để có sự ràng buộc nhau. Niềm tin bền vững thì cũng cần phải có sự minh bạch với nhau”, ông Vương Thành Công chia sẻ thêm.

Chị Ngô Tường Vy chia sẻ với chúng tôi rằng, doanh nghiệp như chúng tôi lúc nào cũng trăn trở về vấn đề “thị trường tiêu thụ”, vấn đề về giá thu mua cho bà con. Lợi nhuận bao giờ cũng phải đến cho cả hai phía doanh nghiệp và bà con nông dân cả. Xây dựng lòng tin và sự đồng hành sẽ giúp nhau cùng phát triển. Xây dựng mô hình, áp dụng qui trình, xây dựng vùng sản xuất tập trung, tạo liên kết thông qua các THT, HTX… là đều cần thiết nhất mà doanh nghiệp như chúng tôi hướng đến.

Chủ trương, quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định rất rõ trong nhiều dự án, chương trình đã và sẽ hướng đến là xây dựng “nền kinh tế tuần hoàn”, xây dựng “vùng sản xuất tập trung”. Thì ngay từ bây giờ không thể khác hơn, việc thay đổi tập quán canh tác, liên kết chuỗi, tham gia các mô hình kinh tế tập thể… là những bước đi an toàn, bền vững, đòi hỏi người nông dân phải nhạy bén, mạnh dạn.

Có thể thấy rằng, trong lúc khó khăn về thị trường tiêu thụ hàng nông sản thì việc xuất khẩu thành công lô hàng gần 40 tấn BDX vào một thị trường khó tính như Hoa Kỳ là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh, của cả nước. Đây còn là niềm tự hào, niềm tin của bà con nông dân trồng BDX tỉnh ta trong tương lai sắp tới.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN