Đọc lại lời thơ của Xuân Quang, hồi ức 50 năm trước về cuộc hành quân tiếp quản thị trấn Ba Tri lại ùa về trong tôi, đến mức rõ mồn một từng chi tiết nhỏ…
Đầu nhà lồng chợ Ba Tri những ngày sau tiếp quản, tháng 5-1975. Ảnh: Tư liệu
Từ sáng sớm ngày 30-4-1975, sau khi nhận được thông tin từ chị Năm Sương (tức Nguyễn Thị Sương - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo thị trấn và xã An Đức) báo cáo về Thường trực Huyện ủy qua con đường giao liên công khai, anh Ba Quyết (tức Phan Văn Liêm - Thường trực Huyện ủy Ba Tri) nhắn tôi vào để khai thông yêu cầu và giao nhiệm vụ.
Anh cho biết: “Hôm qua, đồng chí Sáu Khởi (tức Lê Sắc Tân - Bí thư Huyện ủy Ba Tri) được Tỉnh ủy kêu đi nhận lệnh gấp nên anh được phân công xử lý công việc của Thường trực… Tình hình đang rất khẩn trương. Quân giải phóng đang áp sát Sài Gòn. Trung tâm ngụy quyền cấp “quận” tại thị trấn Ba Tri và ngụy quyền, ngụy quân các xã trong huyện đang hoang mang cực độ trước những diễn biến dồn dập trên khắp các chiến trường. Cần phải có một bức thư của UBND cách mạng huyện tấn công trực tiếp tên Quận trưởng Lê Văn Tài… Tám Trị hãy tranh thủ “làm” khẩn trương để “CK” (tức giao liên công khai) mang trực tiếp về thị trấn vào trưa hôm nay cho kịp…”.
Hôm ấy tình hình rất yên tĩnh, không có bom pháo quậy phá nên tôi “dự thảo” nội dung rất nhanh. Sau khi được anh Ba Quyết nhất trí thông qua, tôi trực tiếp đảm nhận luôn nhiệm vụ “đánh máy” để đảm bảo tính chuẩn xác của văn bản, rồi gửi vào Văn phòng Huyện ủy đóng mộc, cho vô phong bì, giao chị Ba Mau (giao liên công khai) đi nhanh về thị trấn trao liền cho chị Năm Sương để kịp chỉ đạo cho “cơ sở” chuyển trực tiếp đến Quận trưởng Tài.
Thời gian trôi rất nhanh… Giữa trưa ngày 30-4-1975, sau khi Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng - tin từ “cơ sở” cho biết, Lê Văn Tài tìm kế hoãn binh, hẹn 11 giờ trưa ngày 1-5 sẽ gặp đại diện lực lượng Cách mạng bàn bạc cụ thể… Nhưng trong cơn hoảng loạn, lợi dụng sơ hở của lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng chưa siết chặt vòng vây, Tài tìm đường trốn thoát vào giữa trưa ngày 30-4, mặc cho bọn thuộc cấp hoang mang nháo nhào như rắn mất đầu.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Cục: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã bằng lực lượng bản thân”, Thường trực Huyện ủy Ba Tri chỉ đạo cho lực lượng địa phương quân huyện cùng các đảng bộ, chi bộ cơ sở và dân quân du kích đồng loạt triển khai bám chặt các địa bàn, tổ chức sẵn sàng chiến đấu và tiếp quản.
Từ 15 giờ 30 phút chiều ngày 30-4, lực lượng an ninh võ trang, Đội biệt động thị trấn Ba Tri, lực lượng du kích xã An Đức từ khu vực bám trụ ở ven rạch Ba Tri tiến vào địa bàn xã An Đức phối hợp với lực lượng khởi nghĩa của quần chúng bao vây bức hàng, bức rút toàn bộ các đồn bót trong xã, làm chủ các ấp Trại Già, Giồng Cả, Giồng Cốc, Bến Đình, Giồng Chuối, Giồng Cụt, Gò Mả Ngải.
Sau đó, LLVT cách mạng và quần chúng chia làm ba mũi tiến vào trung tâm quận lỵ, gom súng đồn Cây Điệp, đồn Cây Me, chiếm trụ sở Phân chi khu An Đức…
Đến 21 giờ đêm 30-4, LLVT cách mạng và quần chúng đã làm chủ phần lớn địa bàn thị trấn.
Ở xã Bảo Thạnh, trước sự bao vây của du kích và lực lượng quần chúng, đến 19 giờ đêm 30-4, toàn bộ binh lính đồn trú buộc phải rút bỏ Phân chi khu Bảo Thạnh. Xã Bảo Thạnh được hoàn toàn giải phóng.
Tại xã An Bình Tây, bằng công tác binh vận, đến 21 giờ đêm 30-4, toàn bộ binh lính chế độ Sài Gòn trong khu hành chính An Bình Tây đã nộp súng đầu hàng. Xã An Bình Tây được hoàn toàn giải phóng.
Trước khí thế áp đảo của LLVT cách mạng và đông đảo quần chúng vừa đánh trống vừa phóng thanh kêu gọi, và trong tình thế các đồn bót xung quanh quận lỵ đều bị LLVT cách mạng và quần chúng chiếm giữ, đến 5 giờ sáng ngày 1-5-1975, toàn bộ sĩ quan, binh lính trong dinh quận, Chi khu quân sự, Chi Cảnh sát Ba Tri chấp nhận đầu hàng, nộp toàn bộ vũ khí và phương tiện phục vụ chiến tranh cho cách mạng. Huyện Ba Tri được hoàn toàn giải phóng.
***
Trời vừa rạng sáng ngày 1-5-1975, theo sự sắp xếp của tổ chức, tôi cùng đại bộ phận thành viên của Ban Tuyên huấn huyện được cơ cấu vào đoàn của lãnh đạo Huyện ủy khẩn trương tiến về tiếp quản thị trấn Ba Tri.
Đồng chí Sáu Khởi - Bí thư Huyện ủy - người đi nhận “lịnh” ở tỉnh mới về, vừa đi vừa nói với tôi: “Tình hình phát triển quá nhanh, ngoài dự kiến. Khi về đến thị trấn, Tám Trị “tranh thủ” làm ngay một thông báo gọn, lấy danh nghĩa UBND Cách mạng huyện Ba Tri nói về việc lực lượng cách mạng đã tiếp quản thị trấn, yêu cầu các anh em sĩ quan, binh sĩ, nhân viên, công chức thuộc ngụy quyền Sài Gòn đang hoạt động tại huyện Ba Tri hãy khẩn trương ra trình diện với chính quyền cách mạng, trên tinh thần “hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù…”. Tất cả đồng bào đều sinh hoạt và giao tế bình thường. Quan tâm giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…”.
Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ để sắp xếp ý tứ trong đầu nhằm thực hiện nhanh tinh thần chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy. Đến khi có tiếng hô lớn: “Đoàn dừng lại!”, tôi mới biết đoàn quân đã đến đầu giồng xã Mỹ Nhơn.
Đi đến đâu, chúng tôi cũng được bà con hai bên đường đánh trống, vẫy cờ, vẫy tay hoan hô nhiệt liệt. Cách nhà lồng chợ Ba Tri khoảng 250m, bà con trong các ngõ hẻm đổ ra càng lúc càng đông. Bỗng nhiên có tiếng gọi lớn từ mé tai bên phải của tôi: “Sum ơi! Sum ơi! Có bánh tét nè Sum ơi!”. Tôi giật thót mình, ngoái lại, thấy ông già đầu bạc trắng giơ cao hai đòn bánh tét về phía mình. Thì ra, đó là cậu Bảy của tôi - ông Bảy Chấn, xã An Bình Tây. Tôi vui mừng ôm hôn cậu Bảy, cảm ơn cậu, nhận bánh và xin phép tiếp tục đi cùng đồng đội…
Đến trụ sở “Chi Thông tin - Chiêu hồi quận Ba Tri”, tôi và anh em trong bộ phận Thông tin tuyên truyền và Tuyên truyền xung phong dừng lại. Khoảng trên 60 nhân viên chế độ cũ do Trần Chánh Tâm (Trưởng chi) đứng đầu đang chờ để trình diện với cách mạng. Lập tức, tôi mời các anh em vào trụ sở, ngồi ổn định dưới nền xi-măng. Tôi thông tin sơ bộ tình hình chung, tình hình địa phương và nhiệm vụ trước mắt của các anh em sau khi trình diện.
Trong khi tôi trực tiếp nói chuyện với các đối tượng thì anh Bảy Bự và các thành viên trong Đội Tuyên truyền và Tuyên truyền xung phong tủa ra kiểm tra toàn bộ trong, ngoài trụ sở, quản lý chặt chẽ hồ sơ, tài liệu và chuẩn bị sổ sách để “vô danh sách” cụ thể từng nhân vật (tên họ, quê quán, trình độ học vấn, nhiệm vụ do chế độ cũ phân công, nơi cư trú, hơi hoạt động…).
Đúng 9 giờ 30 phút sáng hôm đó, Thông báo số 01 của UBND Cách mạng huyện Ba Tri, qua giọng đọc của tôi, âm vang trên hệ thống truyền thanh khắp nội ngoại ô thị trấn. Tôi rất vinh dự là “biên tập viên”, cũng là xướng ngôn viên đầu tiên của lực lượng cách mạng trên hệ thống truyền thanh huyện Ba Tri trong ngày đầu tiếp quản 1-5-1975