5 điều không nên nói trong buổi phỏng vấn xin việc dù bạn rất muốn
31/12/2024 - 11:16
Ai đi phỏng vấn xin việc mà chưa từng muốn thẳng thắn nói ra những điều mình nghĩ? Có thể bạn tin rằng sự thật thà sẽ giúp mình ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, hoặc tự thấy những câu nói ấy chẳng có gì nghiêm trọng. Nhưng hãy nhớ rằng, phỏng vấn không phải một cuộc trò chuyện bình thường mà là cơ hội để bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và tinh tế. Một lời nói thiếu suy xét có thể khiến bạn mất điểm ngay lập tức, dù ý định ban đầu của bạn hoàn toàn trong sáng. Vì vậy, dù có những lời rất muốn nói ra, bạn vẫn nên học cách kiềm chế để không đánh mất cơ hội quý giá của mình.
Tôi thực sự rất cần công việc này
Khi được hỏi: “Tại sao bạn muốn làm việc ở công ty chúng tôi?” trong buổi phỏng vấn việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… có thể thâm tâm bạn rất muốn bày tỏ rằng “Em thực sự rất cần công việc này” hay “Em sẵn sàng làm bất cứ điều gì nếu được nhận”. Tuy nhiên, đừng vội vàng bộc lộ điều đó, cho dù đó là sự thật đi chăng nữa.
Dù hoàn cảnh của bạn khó khăn đến đâu, nhà tuyển dụng sẽ không vì điều đó mà tuyển dụng bạn. Họ không tìm kiếm một nhân sự chỉ đơn thuần cần một công việc. Điều họ tìm kiếm là một ứng viên thực sự phù hợp với vị trí tuyển dụng, có nhiệt huyết và khả năng mang lại giá trị cho công ty. Những lời nói quá cảm tính không chỉ làm giảm giá trị của bạn mà còn khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về sự chuyên nghiệp cũng như năng lực thực sự mà bạn có.
Thay vào đó, hãy biến câu hỏi này thành cơ hội để bạn thể hiện sự đam mê và sự tương đồng giữa bản thân với chân dung ứng viên mà nhà tuyển dụng tìm kiếm: “Em cảm thấy vị trí này rất phù hợp với kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Em cũng rất hứng thú với những dự án mà công ty đang triển khai và tin rằng mình có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.”
Công ty cũ/sếp cũ của tôi thực sự rất tệ
Khi nói ra điều này, hẳn bạn từng gặp phải những trải nghiệm không vui ở công ty cũ. Nhưng trăm ngàn lần không nên quên rằng, buổi phỏng vấn không phải nơi để bạn trút giận. Những chia sẻ của bạn có thể đúng với thực tế nhưng không phải điều bạn nên giãi bày với nhà tuyển dụng. Khi hỏi về lý do bạn rời bỏ nơi cũ và nhận được những lời phàn nàn hoặc thái độ chán ghét đối với công ty cũ hay sếp cũ, nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi: “Nếu sau này nghỉ việc ở đây, liệu bạn cũng sẽ nói về chúng tôi y như vậy?”
Dù lý do khiến bạn nghỉ việc là gì, hãy thể hiện sự tôn trọng đối với công việc cũ, tập trung nói về những điều tích cực bạn học được, cách bạn vượt qua khó khăn và những gì bạn tìm kiếm ở công việc mới, chẳng hạn như:
“Tuy không còn tìm được điểm chung trong định hướng phát triển với công ty cũ nhưng em luôn biết ơn công ty, sếp và đồng nghiệp vì ở đó, em đã học được cách quản lý thời gian hiệu quả và cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình. Tuy nhiên, em muốn tìm kiếm một môi trường mới, nơi em có thể phát triển thêm các kỹ năng khác và thử sức với những thử thách mới trong công việc.”
Tôi không biết
Không điều gì làm giảm hứng thú của nhà tuyển dụng nhanh hơn một câu trả lời cụt ngủn "Em không biết". Hãy tưởng tượng, nhà tuyển dụng hỏi: “Bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực này không?”. Nếu bạn trả lời ngay "Em không biết" hoặc "Em chưa từng làm công việc đó", bạn không chỉ thiếu sự chuẩn bị mà còn khiến đối phương nghi ngờ năng lực cũng như sự nghiêm túc của bạn.
Phỏng vấn xin việc là cơ hội để bạn thể hiện bản thân nên ngay cả khi không có câu trả lời hoàn hảo, vẫn luôn có cách để bạn biến tình thế bất lợi thành cơ hội gây ấn tượng: “Thú thực, đây không phải lĩnh vực em có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nhưng em rất sẵn lòng tìm hiểu và học hỏi thêm. Em tin rằng, mình có thể nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.”
Cách trả lời này không chỉ giúp bạn duy trì sự tự tin mà còn thể hiện thái độ cầu tiến, điều mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá cao. Song song với đó, hãy luyện tập trước một số câu hỏi khó để tránh những tình huống lúng túng trong phỏng vấn và biến điểm yếu thành cơ hội để thể hiện sự nhiệt tình cùng tinh thần học hỏi.
Công việc này có khó không?
Hỏi về mức độ khó dễ của công việc không chỉ khiến bạn trở thành một ứng viên thiếu tự tin, thiếu năng lực mà còn khiến nhà tuyển dụng nhận định rằng bạn chưa tìm hiểu kỹ mô tả công việc trước khi ứng tuyển vào công ty.
Đừng phô bày mặt yếu kém của bản thân. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Nếu bạn thực sự chưa nắm rõ nhiệm vụ cụ thể của mình, thay vì hỏi “Công việc này có khó không?”, hãy đặt những câu hỏi mang tính xây dựng và thể hiện tinh thần cầu thị của bản thân:
Những kỹ năng nào là quan trọng nhất để thành công ở vị trí này?
Những thách thức lớn nhất mà tôi phải đối mặt ở vị trí này là gì?
Anh/chị có thể chia sẻ thêm về kỳ vọng đối với vị trí này trong 3 tháng đầu tiên không?
Tôi không có câu hỏi gì thêm
Cuối mỗi buổi phỏng vấn, hầu như nhà tuyển dụng nào cũng sẽ đặt câu hỏi: “Bạn còn câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?” và sẽ thật đáng tiếc nếu bạn trả lời “Em không có câu hỏi gì thêm”.
Hãy nhớ, phỏng vấn là cuộc đối thoại hai chiều. Nhà tuyển dụng có quyền tìm hiểu về bạn và bạn cũng có quyền tìm hiểu thật kỹ về công việc và công ty chứ không đơn thuần là hỏi gì, đáp nấy. Việc không đưa ra bất cứ câu hỏi nào có thể khiến bạn mất điểm ít nhiều vì thiếu sự quan tâm hoặc không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Vì lẽ đó, hãy thể hiện sự khôn khéo của mình bằng cách đặt ra một số câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty và vị trí mà bạn ứng tuyển. Chẳng hạn như:
Anh/chị có thể chia sẻ thêm về văn hóa làm việc của công ty không?
Lộ trình thăng tiến của vị trí này sẽ như thế nào?
Những câu hỏi này vừa giúp bạn thu thập thêm những thông tin giá trị, vừa để lại ấn tượng rằng bạn là một người cầu tiến và thật sự nghiêm túc với cơ hội này.
Buổi phỏng vấn xin việc không chỉ là lúc bạn thể hiện năng lực của bản thân mà còn là cơ hội để bạn chứng tỏ sự khéo léo và tinh tế trong giao tiếp. Có những điều bạn rất muốn nói ra nhưng đôi khi, biết “giữ miệng” mới là chìa khóa để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đừng quên, thể hiện bản thân một cách chân thành nhưng hãy sử dụng cách diễn đạt thông minh và tích cực nhất.