|
Ông Trần Văn Chí - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre. |
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) và 34 năm Ngày thành lập Viện KSND tỉnh Bến Tre, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chí-Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bến Tre.
Xin ông vui lòng cho biết những thành tựu nổi bật của ngành KSND tỉnh trong thời gian qua?
- Ông Trần Văn Chí: Từ khi thành lập, ngày 21-6-1976 cho đến nay, ngành KSND tỉnh Bến Tre đã tích cực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chung của ngành: kịp thời phát hiện, xử lý theo pháp luật các vi phạm và tội phạm, đấu tranh khôi phục trật tự pháp luật, thu hồi tài sản Nhà nước bị xâm phạm, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước qua từng giai đoạn.
Từ năm 1976 đến 1985, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV, V của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ II, III của Đảng bộ tỉnh, toàn ngành Kiểm sát tiến hành công tác kiểm sát và đấu tranh xử lý tội phạm phản cách mạng, tư sản mại bản phản động, củng cố chính quyền cách mạng.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới và các quan điểm cải cách tư pháp đã được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng, ngành kiểm sát Bến Tre đã có bước đổi mới mạnh mẽ tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và thực hiện chức năng nhiệm vụ, tập trung cụ thể ở những mặt cơ bản như sau:
- Trên phương diện công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội (công tác kiểm sát chung): Viện KSND hai cấp đã thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo một kế hoạch thống nhất trên phạm vi cả nước của Viện KSND tối cao, tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm, phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Từ năm 1977-2001 đã tiến hành kiểm sát 918 đơn vị, cơ sở; đã ban hành 611 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và yêu cầu khởi tố hình sự 183 người, xử lý hành chính 682 người. Về tài sản, từ năm 1977 đến 2001 qua công tác kiểm sát đã yêu cầu và thu hồi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Đối với công tác kiểm sát văn bản qui phạm pháp luật, kiểm sát phát hiện 452 văn bản vi phạm; đã ban hành 173 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các ngành hữu quan sửa chữa hoặc bãi bỏ.
- Trong lĩnh vực hình sự, Viện Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm; chú trọng thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội và đảm bảo các hoạt động tố tụng tuân thủ đúng quy định pháp luật; đã phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Viện kiểm sát hai cấp tăng cường công tác thực hành quyền công tố, trọng tâm là nâng cao trách nhiệm tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đến nay, toàn ngành đã truy tố và chuyển sang Tòa án xét xử 10.014 vụ. Tỷ lệ án truy tố hàng năm đạt từ 95% trở lên. Chất lượng kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại các phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm luôn được chú trọng và củng cố thường xuyên.
Bên cạnh đó, các mặt công tác: Kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát nơi giam giữ; công tác thi hành án; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được ngành kiểm sát hai cấp quan tâm và thực hiện đúng theo qui định của pháp luật.
- Công tác xây dựng ngành ngày càng được kiện toàn và củng cố, luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát, lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ ngành; quan tâm việc tuyển dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đồng thời, cơ sở vật chất và các phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin của ngành ngày càng được xây dựng hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu công việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, Viện KSND hai cấp đã triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ và công tâm trong thực thi nhiệm vụ.
Còn việc thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” ở tỉnh ta 5 năm qua?
- Qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, các lĩnh vực công tác của ngành Kiểm sát đã có những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như: tỷ lệ chọn án điểm đạt trung bình hàng năm 26,3%/án mới khởi tố; kháng nghị phúc thẩm đã xét xử chấp nhận 13/22 vụ (đạt 59,1%); kháng giám đốc thẩm 3 vụ (đã xét xử chấp nhận) và báo cáo Viện KSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm 11 vụ; kiểm tra 154 lượt kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, trong đó phối hợp xét xử 1 vụ theo tinh thần Nghị quyết 49; tổ chức thi và chọn được 2 kiểm sát viên tiêu biểu và 9 kiểm sát viên giỏi; phối hợp xét xử lưu động tại địa phương xảy ra án 235 vụ, đạt trung bình hàng năm 14,5%/án đã xét xử; tạm giữ, đã khởi tố hình sự 442 trường hợp, chiếm tỷ lệ 98,5%; từ chối phê chuẩn bắt khẩn cấp, tạm giam 24 trường hợp; đã thi hành án phạt tù 1.741 trường hợp, đạt trung bình hàng năm 92%; số việc dân sự đã thi hành xong 16.135 việc, đạt trung bình hàng năm 57%; không có án quá hạn luật định và không có người trốn khỏi nơi giam giữ.
Thưa ông, gần đây tình hình thực hiện Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra tại Bến Tre thế nào? Có thể rút ra những kinh nghiệm gì?
- Thực hiện Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn ngành kiểm sát đã tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp rà soát các trường hợp xử lý oan, sai để tổ chức bồi thường cho người có yêu cầu. Trách nhiệm thuộc về Viện Kiểm sát phải bồi thường có 9 trường hợp, đã giải quyết bồi thường dứt điểm 7 trường hợp với tổng số tiền 551,25 triệu đồng và 2 trường hợp bồi thường tổn thất về tinh thần 113,19 triệu đồng. Qua thực hiện Nghị quyết 388 có thể rút ra các bài học kinh nghiệm như:
- Một là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”.
- Hai là, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thường xuyên nắm thông tin, kiểm tra Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và tăng cường kiểm tra nghiệp vụ Viện KSND cấp huyện, thành phố và các phòng trực thuộc.
- Ba là, phải thẳng thắn nhìn nhận thiếu sót, phối hợp với các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời các trường hợp bị oan thuộc trách nhiệm bồi thường của Viện Kiểm sát.
Để hoạt động kiểm sát tốt hơn, theo ông, ngành Kiểm sát cần tập trung thực hiện những gì?
- Để hoạt động kiểm sát trong thời gian tới tốt hơn, theo tôi, ngành Kiểm sát Bến Tre cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng các tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Viện KSND, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
- Duy trì và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện KSND, chú trọng thực hiện đầy đủ, đúng đắn nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Viện KSND hai cấp.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát trong sạch, vững mạnh, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; đảm bảo có trình độ, năng lực nghiệp vụ, dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Viện KSND; gắn công tác xây dựng Đảng với công tác xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát.
- Viện Kiểm sát phải quán triệt đầy đủ tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, đảm bảo dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương xã hội.
Xin cảm ơn ông và xin chúc ngành KSND tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao!