Ông Nguyễn Bé – Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao giải nhất cho các tác giả.
Qua một năm phát động, Ban Tổ chức nhận được hơn 360 tác phẩm dự giải, với 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình).
Hội đồng sơ khảo đã chọn 58 tác phẩm vào vòng chung khảo. Qua đó, có 22 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba và 10 giải khuyến khích.
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo, Trưởng ban tổ chức giải đánh giá, năm nay số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm tham dự giải có sự gia tăng hơn năm trước. Các tác phẩm đã khắc họa toàn diện bức tranh tổng thể đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Loạt bài 3 kỳ “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với chủ trương đột phá, đổi mới, sáng tạo” của nhóm tác giả Võ Thị Cúc Phương, Lâm Phước Lộc (báo Đồng Tháp) đoạt giải Nhất thể loại báo in, báo điện tử.
Tác phẩm phóng sự “Trường Sa vững vàng và phát triển” của tác giả Đăng Khoa (Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long) đoạt giải Nhất thể loại phát thanh - truyền hình.
Nhóm tác giả Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt (Báo Đồng Khởi) nhận giải khuyến khích.
Nhóm tác giả Phan Hân, Thanh Đồng, Ánh Nguyệt của báo Đồng Khởi với loạt bài 3 kỳ “TP. Bến Tre hành trình đi lên đô thị” đoạt giải khuyến khích thể loại báo in, báo điện tử.
Ban tổ chức tiếp tục phát động giải báo chí về đồng bằng sông Cửu Long năm 2020.
Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao 100 suất học bổng cho học sinh sinh nghèo khó khăn hiếu học của tỉnh Kiên Giang (500 ngàn đồng/suất).
Sáng cùng ngày cũng tại Kiên Giang, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo nghiệp vụ báo chí Tây Nam Bộ tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nội dung hội thảo về những vấn đề cấp bách bảo vệ chủ quyền biển đảo, công tác chỉ đạo tuyên truyền, công tác chỉ đạo quản lý báo chí trong tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc...
Tin, ảnh: Triều Dương