22 năm sống cùng căn bệnh tim

08/03/2010 - 09:36

Đó là trường hợp của em Phạm Văn Khá (1988), con trai lớn của anh Phạm Văn Tám (1963) và chị Nguyễn Thị Hồng (1966) ngụ ấp 2, xã Phú Túc (Châu Thành). Em bị bệnh tim bẩm sinh thông liên thất khi tròn 3 tháng tuổi.

Gia đình có 4 công đất vườn tạp mới được cải tạo trồng dừa xiêm và chuối, hoa lợi chưa có. Hàng ngày cha mẹ em làm thuê, làm mướn để nuôi Khá và người em út đang học lớp 6. Thấy cuộc sống khó khăn, Phạm Minh Tuấn (em kế của Khá) nghỉ học đi thành phố Hồ Chí Minh làm kiếm tiền giúp gia đình. Chị Hồng kể: đã 22 năm chống chọi với căn bệnh, Khá ngày càng gầy gò, xanh xao. Dù bệnh tim, nhưng cháu rất ham học, hàng ngày đạp xe khoảng 10 cây số để đến Trường THPT Trần Văn Ơn. đầu năm lớp 12, khi bệnh trở nặng, cháu đã nghỉ học, phụ gia đình làm những công việc nhà. Để giành lại sự sống cho Khá, gia đình đã tìm mọi cách để lo tiền, vay mượn khắp nơi nhưng chỉ chữa chạy cho cháu trong thời gian ngắn tạm thời. Đến ngày 5-2-2010, cháu sốt liên tục, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ cho biết cháu có dấu hiệu sùi bọt cơ tim và yêu cầu phải mổ gấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Gia đình tôi rối trí lắm, đã kêu bán đất để  lấy tiền phẫu thuật cho cháu, nhưng đất ở vùng sâu chưa ai ưng ý. Hiện nay, hoàn cảnh  gia đình sống bằng khoản thu nhập của người con trai làm thuê ở TP Hồ Chí Minh. Để có mấy chục triệu mổ tim cho con, chi phí quá lớn đối với gia đình tôi.
Phạm Văn Khá tâm sự: “Em rất thích đi học, em ước mình có đủ tiền mổ tim, khi mổ xong em sẽ học nghề để giúp cha mẹ. Em biết cha mẹ đã tốn rất nhiều tiền và nước mắt vì lo cho em. Em thường xem chương trình Trái tim nhân ái của Đài Truyền hình Vĩnh Long, Tiền Giang, bởi em  hy vọng một ngày nào đó em sẽ được phẫu thuật tim giống như các bạn. Khá vừa nói chuyện vừa rưng rưng nước mắt, 22 tuổi, gần 22 năm em sống với căn bệnh tim.

Bích Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN