2.500 con gà chết chưa rõ nguyên nhân

14/10/2012 - 15:16

Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Giồng Trôm, ngày 26-9-2012, tại hộ ông Trần Văn Thịnh ở ấp 3, xã Châu Bình (Giồng Trôm) có 2.500 con gà bị chết nhưng chưa rõ nguyên nhân. Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y tỉnh đã đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận bước đầu như sau.

Hộ ông Bình có tổng đàn gia cầm là 2.803 con, trong đó có 2.700 con gà (có 200 con 22 ngày tuổi, 2.500 con 63 ngày tuổi); 100 con vịt xiêm 4 tháng tuổi và 3 con ngỗng. Bệnh chỉ phát sinh trên đàn gà 2.500 con. Theo điều tra, đàn gà của ông Thịnh đã được tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm vào các ngày 12, 13-9 và tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm khác như Gomboro, đậu gà, dịch tả. Sau khi tiêm phòng, đàn gà vẫn khỏe và phát triển bình thường. Đến ngày 22-9, ông Thịnh phát hiện đàn gà có dấu hiệu như một số con xù lông, ủ rủ nên ông đã sử dụng vitamin C pha vào nước cho cả đàn uống. Đến ngày 23-9, đàn gà ngày càng xấu đi, bắt đầu chết nhiều, chỉ trong 1 ngày chết đến 800 con và đến ngày 24-9, chết thêm khoảng 800 con, ngày 25 chết 400 con. Tính đến ngày 26-9, tổng số gà chết 2.200 con. Riêng đàn gà 200 con 22 ngày tuổi, vịt xiêm, ngỗng vẫn khỏe mạnh và phát triển bình thường. Sau khi nhận được thông tin, ngày 24-9-2012, Chi cục Thú y đã cử cán bộ phối hợp Trạm Thú y Giồng Trôm, UBND xã Châu Bình kiểm tra xác minh thực tế. Kết quả ban đầu cho thấy gà chết nhanh, nhiều nhưng kết quả lâm sàng và mổ khám tử thi thì không tìm thấy triệu chứng, bệnh tích điển hình của cúm gia cầm. Song, với tỷ lệ chết quá nhiều, cao, nhanh chỉ trong 2 ngày có tới 64% (1.600/2.500 con). Gà chết chưa rõ nguyên nhân và theo qui trình ứng phó ổ dịch cúm gia cầm của Cục Thú y thì đây là tỷ lệ chết nghi ngờ của cúm gia cầm. Cho nên Chi cục đã trực tiếp lấy mẫu chuyển về Cơ quan Thú y vùng 6 xét nghiệm. Ngày 25-9, lãnh đạo Chi cục, các phòng ban, Trạm Thú y huyện, UBND xã Châu Bình triển khai các biện pháp xử lý khẩn cấp. Thống nhất tiêu hủy toàn bộ số gà còn lại trong dãy chuồng bị bệnh theo đề nghị của chủ nuôi. Riêng đàn gà 22 ngày tuổi, vịt xiêm, ngỗng hiện còn khỏe mạnh thì không tiêu hủy và lập cam kết với chủ hộ tiếp tục nuôi giữ lại trong khi chờ kết quả xét nghiệm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Tiếp tục lấy mẫu gởi Cơ quan Thú y vùng 6 xét nghiệm, nếu kết quả dương tính với virus cúm H5N1 thì chủ nuôi được hưởng mọi chính sách hỗ trợ theo qui định của Nhà nước. Trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính với virus H5N1 thì chủ nuôi sẽ không được hưởng hỗ trợ tiêu hủy gia cầm và chi phí chôn hủy. Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng mỗi ngày 1 lần tại hộ ông Thịnh và các hộ lân cận. Tiêm phòng vắc- xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm mới tái đàn, đàn sắp hết thời gian miễn dịch trong toàn xã. Giám sát chặt chẽ đàn gia cầm tại hộ có bệnh và các hộ khu vực xung quanh. Ngày 27-9, theo kết quả xét nghiệm của Cơ quan Thú y vùng 6 mổ khám các mẫu bệnh phẩm và thông báo kết quả biên bản mỗ khám cũng không tìm thấy bệnh tích của bệnh cúm gia cầm. Ngày 28-9, Cơ quan Thú y vùng 6 trả lời kết quả xét nghiệm cả 3 mẫu bệnh phẩm đều âm tính với virus cúm gia cầm và virus gây bệnh Newcastle. Đồng thời, cũng đã cử đoàn cán bộ dịch tễ phối hợp với Chi cục Thú y Bến Tre đến địa bàn có bệnh để điều tra dịch tễ nhằm tìm ra nguyên nhân gây chết gà đồng loạt tại nhà ông Thịnh. Hiện Chi cục đang tiếp tục phối hợp Cơ quan Thú y vùng 6 nghiên cứu, khảo sát tiếp để tìm nguyên nhân có thể gây chết nhanh trên đàn gà.

Theo Th.s Phan Trung Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bến Tre, đơn vị đã đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch huyện Giồng Trôm chỉ đạo xã Châu Bình tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại địa phương, đặc biệt là khu vực các xã lân cận. Khi phát hiện có bệnh đề nghị thông báo nhanh về Chi cục Thú y để phối hợp xử lý. Tiêm phòng bổ sung vắc-xin cúm gia cầm cho toàn bộ đàn gia cầm toàn xã, tiêm đủ số mũi theo qui định. Tuyên truyền cảnh báo tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia cầm.

Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN