|
Ghép cây giống ở xã Vĩnh Thành. |
Nhiều năm qua, nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành - Chợ Lách) không ngừng phát triển, hiện có 6.000 hộ, 19 làng nghề, với sản lượng bình quân hàng năm khoảng 16-17 triệu cây giống và hơn 10 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. KS. Lê Phước Toàn và nhóm cộng sự của ông đã dày công tìm hiểu và bước đầu thành công với đề tài “Sự hình thành và phát triển nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng Cái Mơn”.
Qua nhiều cách tiếp cận, điều tra, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận ban đầu, trái cây từ các quốc gia Đông Nam Á du nhập vào Cái Mơn rất sớm, trong khoảng từ năm 1851-1858, tức cách đây hơn 150 năm. Cây dừa là loại cây xuất hiện sớm nhất, có nguồn gốc từ miền Trung do những di dân đem vào (1702). Các loại giống khác như: quít, cam, xoài, chuối, mãng cầu được nhà vườn trồng nhiều khi mới lập vườn. Cái Mơn có tổng cộng 54 loại cây trái, đặc biệt là cây trái đặc sản Đông Nam Á, nó giống như bản đồ trái cây thu nhỏ. Cách đây trên 100 năm, Cái Mơn nổi tiếng với giống sầu riêng Phó Lưu do ông Nguyễn Duy Lưu đem về từ Campuchia, còn gọi là sầu riêng sữa bò. Bởi nó có các đặc tính là: vỏ mỏng, cơm dẻo, hạt lép, có mùi hương thơm ngào ngạt và béo như sữa bò. Ngày nay, giống sầu riêng Chín Hóa cũng có những nét tương đồng nhưng chưa có kết luận hai giống này có liên quan nhau. Theo ông Nguyễn Văn Ký, ở ấp Bình Tây, vườn ông Hội đồng Hiếu có nhiều loại cây trái ngon mà ông Tư Trạng là người giỏi nghề võ được ông Hiếu sử dụng làm cận vệ nên anh Ba Ký, anh Chín Hóa, anh Trung xin ông Tư Trạng được 4 bo đem về ghép 4 cây, hiện còn 3 cây trên đất ông Nguyễn Văn Ký. Ông Nguyễn Văn Hóa (Chín Hóa), ông Nguyễn Văn Trung, Trần Hoàng Nam hiện ở ấp Phú Lợi, xã Tân Thiềng làm công cho gia đình ông cai Thuận và biết vườn của ông có trồng dừa nước xanh, chôm chôm Bangkok, sầu riêng cơm vàng hạt lép nên anh Hoàng Nam lấy giống đem về nhà trồng đặt tên là sầu riêng Hoàng Nam. Còn cây chôm chôm có mặt ở Cái Mơn (khoảng 1955) muộn hơn bòn bon, măng cụt, sầu riêng. Có nhiều ý kiến cho rằng, năm 1954 ông Phan Văn Trí - một trong nhóm 4 người ghép cây đầu tiên được một linh mục người pháp cho 3 giống chôm chôm Java, loại râu ngắn, chôm chôm râu dài, chôm chôm trái ráp (hiện là chôm chôm nhãn). Khi cây giống về tới Cái Mơn thì chỉ có ông Hai Trí và người bà con là ông Năm Cứ trồng. Sau đó, người dân trong làng thấy nhưng không dám trồng bởi vườn đang trồng nhiều loại cây khác như dừa, sầu riêng, măng cụt, bòn bon, cam, quít. Đến năm 1962, chôm chôm có hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng nên người dân mới bắt đầu nhân rộng.
Như vậy, các loại cây trái ngon đều có giống từ bên ngoài, được du nhập vào và có mặt ở Cái Mơn rất nhiều từ nửa sau thế kỷ XIX. Nguồn gốc trái cây Cái Mơn có liên quan nhiều đến họ đạo Cái Mơn, nhất là những người cai quản họ đạo này, như ông Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Duy Lưu, Linh mục Gernot. Về nguồn gốc nghề sản xuất cây giống ở Cái Mơn, qua nhiều nghiên cứu cho thấy người dân Cái Mơn biết làm vườn khá sớm và được bắt đầu từ 3 dòng họ: họ Nguyễn, họ Phan, họ Lê ở miền Trung vào. Nếu tính từ năm 1702 đến năm 1852 thì có đến 150 năm. Nhà vườn Cái Mơn vẫn còn trồng theo phương pháp cổ điển, tức lấy hạt đem ươm thành cây con rồi trồng. Đến năm 1937 thì người trồng nhân giống bằng phương pháp mới là ghép bo và đến nay nghề nhân giống mới là phổ biến với nhiều kỹ thuật ghép phong phú hơn, đa dạng hơn như: ghép xương, ghép bo, ghép đọt, tháp cành… Người có công lớn trong việc phổ biến nghề này là hai anh em ông Phạm Văn Trí, Phạm Văn Trị. Cũng tương tự như vậy, nghề sản xuất hoa kiểng cũng phát triển với kỹ thuật ghép hiện đại như ghép gốc mai vàng 5 cánh, mai tứ quí với mai nhiều cánh, ghép xương rồng. Hiện nay, chiết nhánh không còn dùng phương pháp thủ công nữa mà được thay thế bằng khất vỏ, lột da hoặc khoanh vỏ một đường nhỏ lấy dây nhựa bột siết ngang rồi dùng mụn dừa bó vào, buộc kín bên ngoài bằng túi nhựa polyme để quan sát rể ra nhiều, ít và khoảng 25 ngày cho vào túi nilon bán.
Như vậy, nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng Cái Mơn có thời gian dài, khoảng 150 năm mới có được giống cây trái ngon và hơn 230 năm sau mới biết đến việc tháp cây nhân giống theo phương pháp mới, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Kỷ lục về nơi cung cấp giống cây ăn quả do người dân tự lai tạo lớn nhất Việt Nam.
Đề tài này đã được ông Lê Phước Toàn ở UBND huyện Chợ Lách và nhóm cộng sự nghiên cứu thành công. Ngày 24-9-2012 vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thống nhất nghiệm thu và xếp loại khá. Đề tài có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, khoa học, ứng dụng hiệu quả, góp phần rất lớn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu, làng nghề cây giống và hoa kiểng Cái Mơn.