“Sống trong đời cần có một tấm lòng”

23/06/2010 - 08:25
Các bé đợi mẹ cắt móng tay. Ảnh: T.H

Hơn 81 trẻ với những hoàn cảnh bất hạnh khác nhau, độ tuổi từ sơ sinh đến dưới 18, đang được chăm sóc, nuôi nấng, dạy dỗ tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em (TTBTTE) là minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo của xã hội dành cho những mảnh đời bất hạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu-Quyền Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em cho biết: “Trung tâm là nơi tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng trẻ lang thang, mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ bị bỏ rơi, nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gia đình, bị cưỡng bức lao động. Hiện nay, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Trung tâm đang nuôi dưỡng 10 trẻ nhỏ (độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi) và 3 trẻ lớn là những em bị gia đình bỏ rơi do bị khuyết tật, bại não, hoặc vì các lý do khác. Tiền thân của Trung tâm là Trường Hy Vọng, Trung tâm Nuôi dạy trẻ vào đời sớm”.

“Tiếng khóc giữa đêm khuya”

Giữa tiết trời giá lạnh của đêm 23 Tết âm lịch năm 2008 ở khu vực phường 8, khi mọi người đã yên giấc ngủ, có một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi khi dây rốn còn chưa được băng bó, khóc đến khàn tiếng. Đến lúc được một người dân phát hiện em nằm trên nắp lu nhà mình thì em đã là một hài nhi nằm bất động, toàn thân tím tái, dính đầy đất cát. Cháu được các cô, các mẹ đưa về Trung tâm nuôi dưỡng, được đặt cái tên mang nhiều ý nghĩa là Nguyễn Phạm An Hòa. Bà Nguyễn Thị Liễu nhớ lại: “Lúc mới được đưa về đây, chúng tôi tưởng là em đã chết rồi chứ. Do sinh non, nên bé nặng chưa đầy 1 ký mốt, cộng thêm bị bỏ ngoài trời lạnh một thời gian nên có triệu chứng viêm phổi. Chúng tôi phải gửi em vào Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu một tháng để ấp điện và điều trị”. Quá trình nuôi dưỡng vất vả với muôn vàn khó khăn vì em vốn bị suy dinh dưỡng nặng, sức đề kháng kém nên rất hay bị bệnh, các mẹ dành cho em chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe đặc biệt với nhiều loại sữa bột đắt tiền. Em chỉ nặng có 8 ký khi đã hơn 2 tuổi.

Chị Lê Thị Thúy Nga-cán bộ phụ trách quản lý các hoạt động của bộ phận trẻ sơ sinh cho biết: “Ngoài bé An Hòa ra còn rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ rơi mà Trung tâm đã tiếp nhận về nuôi dưỡng, chăm sóc. Có em thì bị mẹ bỏ lại trên băng đá của bệnh viện, có em thì bị bỏ tại nhà bảo sanh Hồng Son, trước cổng làng SOS, cổng của Trung tâm, kể cả… bỏ tại bãi rác nào đó bên đường. Đại đa số trẻ bị gia đình bỏ rơi là do bị bệnh tật hoặc khiếm khuyết một bộ phận cơ thể”. Vào đây, các em được các mẹ, các chị chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ, lúc mạnh khỏe cũng như lúc bệnh hoạn.

Ngôi nhà hạnh phúc

Trung tâm có 27 cán bộ, nhân viên, trong đó có 7 người trực tiếp chăm sóc, nuôi dạy các bé. Đây là những người mẹ đầy tình thương đối với con mình, dù có người chưa một lần sinh con. Chúng tôi đến thăm mái ấm vào buổi chiều, chứng kiến được cảnh bận rộn của các chị nơi đây. Không một phút nghỉ tay, 4 chị lần lượt tắm cho 13 đứa trẻ. Cứ đứa nhỏ tắm trước, rồi đến đứa lớn. Tắm xong, thì một chị phụ trách lau nhà, một chị phụ trách giặt đồ, hai chị còn lại thì cho trẻ ăn chiều, làm không ngơi tay. “Mẹ ơi, Sĩ Hoàng đánh con”, “Mẹ ơi, con đói bụng quá”, “Mẹ ơi, bé Đen ị rồi”,…rồi thì nào la, nào khóc, nào cười đủ thứ âm thanh lẫn lộn. Nhìn vào cảnh đó, tôi thật sự bối rối, muốn phụ giúp các chị, nhưng cũng không biết bắt đầu từ đâu. Thế mà, chị Lê Thị Nguyệt Minh, chị Lữ Thị Ngọc Duy, chị Thúy Nga vẫn vui vẻ, bình tĩnh giải quyết vấn đề của từng em một. Nhìn cảnh các chị đút từng giọt sữa, miếng cơm cho trẻ bị dị tật, bại não, mất khả năng phản xạ, tâm thần… đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, những người đến thăm vừa mến phục, vừa thương cảm. “Hoàng Anh, đói bụng rồi hả con, để mẹ quậy sữa cho con bú nha!”., Lời nói ngọt ngào, cử chỉ âu yếm mà bé Hoàng Anh không nhận được từ mẹ ruột, nhưng lại nhận được từ mẹ Nguyệt Minh. Nhìn Hoàng Anh tự cầm bình sữa bú ngon lành, một khuôn mặt xinh xắn dễ thương không ai ngờ em lại là đứa trẻ bị bại não. Hoàn cảnh của bé Hoàng Anh rất tội nghiệp: mất mẹ khi vừa mới chào đời, bản thân em lại bị bại não, nhà nghèo, cha không nuôi nổi nên phải gửi bé vào đây. Bé hơn hai tuổi rồi mà chưa biết ăn, chỉ biết uống sữa. Tuy bị bại não nhưng tay chân em không có bị cong, bé rất ngoan ngoãn, đặc biệt rất thích xem tivi. Chị Nguyệt Minh xúc động tâm sự: “Tôi làm ở Trung tâm đã hơn 10 năm, xem đây như là nhà, xem các bé như là con ruột của mình”.

Dù bé bình thường hay bé bị bại não, sứt môi, tâm thần,.. đều được các chị thương yêu như nhau. Mong muốn của các chị là làm sao có thể tìm cho bọn trẻ một mái ấm gia đình với đầy đủ cha mẹ, người thân nên khi gia đình nào có ý nguyện muốn nhận con nuôi, có đầy đủ khả năng về vật chất lẫn tinh thần, Trung tâm đều sẵn sàng tạo điều kiện. Bé An Hòa-nhân vật được nói đến ở đầu bài, đã được đôi vợ chồng hiếm muộn nhận về làm con nuôi. Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì những trường hợp các bé được Trung tâm cho các gia đình nhận làm con nuôi không nằm ngoài mục đích nhân đạo cao cả. Đó là mong muốn cho các em được tái hòa nhập cộng đồng, có cha có mẹ, có gia đình như bao trẻ thơ khác. Mỗi lần tiễn bé về với gia đình mới, các chị vừa mừng cho hạnh phúc mai sau của chúng, vừa buồn vì nhớ tiếng cười, giọng nói của chúng. Tình yêu thương đó càng được nhân lên, cộng dồn vào những bé còn lại.

Ngoài việc được chăm sóc, những bé bị khuyết tật còn được các cô  tập vật lý trị liệu để có thể dần phục hồi khả năng vận động. Khi đến tuổi đi học, Trung tâm sẽ gửi các em vào trường học như những bạn bè đồng trang lứa. Nhiều em từ mái nhà của Trung tâm đã trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội. Đó là món quà ý nghĩa mà các cô của Trung tâm muốn nhận từ các em.

Trẻ em là mầm sống, là tương lai của đất nước. Việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Điều này đã được thể hiện cụ thể, rõ ràng trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các em mồ côi hay khuyết tật bị bỏ rơi từ chính người thân của mình, điều đó thật là đau lòng. Tuy nhiên, trong xã hội, vẫn còn đó những tấm lòng, những vòng tay sẵn sàng chia sẻ, đùm bọc, cưu mang, dạy dỗ các em. Giống như lời trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”.

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN