BDK - Đây là chiến lược quốc gia trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 14-8-2020. Hướng đến mục tiêu này, thời gian qua, cùng với cả nước, tỉnh đã nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Người nhiễm HIV uống thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (cơ sở 3).
Tích cực phòng chống
Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp với sự thay đổi rõ rệt trong hình thái lây nhiễm. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính đến nay, tỉnh có gần 2.800 người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn. Trong 9 tháng năm 2024, phát hiện mới 156 trường hợp nhiễm HIV và 29 người tử vong. Trong số trường hợp mắc mới, có 144 trường hợp lây truyền qua đường tình dục. Số ca nhiễm chủ yếu là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 15 - 29.
Theo Phó giám đốc CDC tỉnh Nguyễn Trung Dũng, dịch HIV/AIDS hiện vẫn diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, hình thái lây nhiễm HIV thay đổi rõ rệt, từ lây truyền qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục, nhất là trong nhóm nam quan hệ đồng giới. Đây là nhóm chiếm tỷ lệ lớn trong số người nhiễm HIV mới. Dự báo xu hướng lây truyền dịch HIV ở các năm tiếp theo vẫn duy trì tỷ lệ cao nhóm nam quan hệ đồng giới.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS có những kết quả tích cực. Cụ thể, các hoạt động can thiệp giảm hại được duy trì triển khai trong thời gian qua. Độ bao phủ dịch vụ can thiệp giảm hại đạt gần 60% người sử dụng ma túy. Thực hiện hơn 39 ngàn lượt xét nghiệm HIV, quản lý điều trị ARV cho gần 2,1 ngàn bệnh nhân. Từ quý III-2024, tỉnh triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), dự kiến tiếp tục mở rộng, đảm bảo tiếp cận đa dạng các nhóm nguy cơ cao. Với chỉ tiêu 150 khách hàng trong năm 2024 (mới chỉ đạt 17% kế hoạch), ngành chuyên môn tích cực triển khai và phối hợp với các ban, ngành, cơ quan báo, đài để giới thiệu rộng rãi dịch vụ PrEP. Phấn đấu, đến cuối năm 2024 đạt chỉ tiêu kế hoạch.
Bên cạnh đó, tỉnh còn nỗ lực triển khai sử dụng HIV INFO (hệ thống phần mềm hỗ trợ trong việc quản lý giám sát người nhiễm HIV/AIDS), tại 15 cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm sàng lọc và điều trị trên địa bàn tỉnh. Việc rà soát, ghép nối giữa dữ liệu điều trị và HIV INFO đang được thực hiện trong toàn tỉnh.
Hướng tới không còn dịch HIV
Năm 2024, chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) lựa chọn chủ đề cho Ngày Thế giới phòng, chống AIDS là: “Take the Rights Path”. Chủ đề này được hiểu là: “Đảm bảo nhân quyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”. Theo đó, UNAIDS nhấn mạnh, lấy nhân quyền làm trung tâm, kết hợp với sự tham gia của cộng đồng, thế giới có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Hưởng ứng chủ đề trên, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 là “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Mới đây, tại mít-tinh cấp Quốc gia hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến (29-11-2024), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là nội dung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tăng cường đầu tư phân bổ tài chính. Rà soát bổ sung hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phù hợp, thuận lợi công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan HIV/AIDS.
“Riêng ngành y tế huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, các thành tựu của công nghệ 4.0 vào phòng, chống HIV/AIDS. Tập trung triển khai các giải pháp chuyên môn, ưu tiên cơ sở, địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao. Huy động y tế tư nhân và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch bệnh”, Phó thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12-2024, UBND tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức Tháng hành động trên toàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu, các đơn vị tùy thuộc điều kiện cụ thể cân nhắc lựa chọn việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng. Cụ thể, tổ chức lễ phát động tháng hành động, mít-tinh, truyền thông, tổ chức các hoạt động chuyên môn (hội nghị, hội thảo, tập huấn).
Chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 của Việt Nam thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này không chỉ phù hợp với định hướng của UNAIDS mà còn là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.