Mùa xuân năm 1960

“Đội quân tóc dài” ra đời

20/01/2022 - 11:05

BDK - Tiếng súng Đồng khởi nổ ra đồng loạt trên toàn tỉnh. Đặc biệt là trận đánh tay không cướp súng, diệt đội Tý, nổ ra vào sáng ngày 17-1-1960, tại xã Định Thủy. Trong ngày 17-1-1960 giải phóng xã Định Thủy. Đêm 17 rạng 18-1-1960, nhân dân nổi trống mõ, vây hãm, bức rút 2 đồn địch giải phóng thêm 2 xã Phước Hiệp và Bình Khánh. Cùng thời điểm các xã Hương Mỹ, Minh Đức, Tân Trung, Cẩm Sơn, Ngãi Đăng… nhân dân đã đồng loạt nổi dậy. Cùng với Mỏ Cày, các huyện và thị xã trong tỉnh cũng đã nổi dậy, gỡ đồn bót, diệt ác ôn, giành quyền làm chủ. Khí thế quần chúng cách mạng dâng cao ngút trời.

“Đội quân tóc dài” Mỏ Cày đấu tranh thắng lợi trở về. (Ảnh tư liệu)

Trận đầu ra quân

Sau Đồng khởi, địch điên cuồng phản kích. Ngày 21-1-1960, chúng đưa một Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến và một Đại đội Bảo an đến càn quét vào 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Địch ngày đêm lùng sục, bắt bớ, tra tấn, bắn giết bừa bãi. Điển hình ở Phước Hiệp có vụ chôn chung một hố 39 người tại chợ Phước Hiệp, bắt mổ bụng 5 người, kéo ra phơi thây giữa đường đi ở Ấp 4. Đối với phụ nữ, chúng hãm hiếp. Ngọn lửa căm thù của nhân dân càng dâng cao tột độ.

Tình hình trên, đồng chí Hai Thủy (Nguyễn Tâm Cang - cán bộ chỉ đạo của tỉnh) cùng chi bộ các xã bàn bạc, quyết tâm phát động quần chúng tổ chức cho kỳ được một cuộc đấu tranh chính trị trên thị trấn, để vừa ngăn chặn bớt sự hung hăng của giặc, đồng thời cũng vừa thăm dò, rút kinh nghiệm đối phó với địch sắp tới.

Ngày 26-2-1960, địch càn vào Ấp 7, xã Phước Hiệp, hiếp thêm một phụ nữ, nhân dân rất căm phẫn. Nạn nhân là một đoàn viên Thanh Lao mới 18 tuổi, thuộc gia đình cách mạng. Đồng chí Bí thư Chi bộ là người thân với gia đình, đã thuyết phục đưa nạn nhân đi làm nhân chứng cho cuộc đấu tranh này.

Dự kiến mọi tình huống, kế hoạch chặt chẽ, từ mờ sáng hôm sau, 27-2-1960, đoàn người đầu tiên có 20 chị em phụ nữ, lý lẽ với địch là đi lên thị trấn “tản cư”, vượt vòng vây của bọn Thủy quân lục chiến tiến về thị trấn Mỏ Cày. Trong đoàn, có các đoàn viên Thanh Lao như: Năm Siêng (Nguyễn Thị Siêng), Ba Sẫm (Nguyễn Thị Sẫm), Năm Anh (Nguyễn Thị Anh), Năm Mảnh (Phạm Thị Mảnh), Út Thoại (Lê Thị Thoại)… và mẹ Phạm Thị Đầy được phân công đưa đơn (đơn phải giấu trong hũ gạo). Năm Siêng được chi bộ phân công làm nhiệm vụ tổ chức, chỉ huy và liên lạc báo cáo diễn biến tình hình về xã.

Đoàn “tản cư” dùng ghe đi trót lọt vào thị trấn Mỏ Cày. Khi vào gần đến cổng dinh quận thì bắt đầu tố cáo tội ác của địch. Bọn công an quận ra chặn lại không cho vào. Trong lúc giằng co, người dân thị trấn hiếu kỳ ra xem ngày càng đông. Khi nghe chuyện bất bình, họ phẫn nộ kéo theo hưởng ứng. Thấy thuận lợi, Năm Anh bí mật cử Năm Mảnh cấp tốc về báo tin. Ban chỉ đạo đã chuẩn bị sẵn trên 200 người nhanh chóng kéo lên thị trấn tiếp ứng. Đồng thời, chỉ đạo các xã Bình Khánh, Định Thủy, Đa Phước Hội đưa tiếp lực lượng, cuộc đấu tranh ngày càng đông, tổng số lên hàng ngàn người. Quá nhanh chóng và bất ngờ, địch không trở tay kịp, hoàn toàn bị động và mất kiểm soát.

Tại dinh quận Mỏ Cày, Út Thoại trực tiếp đưa đơn cho tên Quận trưởng. Chị em dùng lời lẽ tố cáo hành động của bọn Thủy quân lục chiến cưỡng hiếp phụ nữ, giết người vô cớ, đốt phá nhà cửa, cướp bóc trắng trợn… và xin Quận trưởng cho ở lại để tránh bom đạn, tránh bị hãm hiếp. Trước những chứng cứ rõ ràng, lời lẽ có lý có tình của chị em và sức ép của đông đảo quần chúng, Quận trưởng phải cho đòi tên Trung úy Châu - Chỉ huy khu vực Phước Hiệp về đối chất và trực tiếp giải quyết yêu sách của nhân dân như: chịu đưa người bị hãm hiếp đi chữa bệnh, hứa điều tra nghiêm trị bọn lính có hành động sai trái, cam kết chấm dứt càn quét, khủng bố...

“Đội quân tóc dài”

Kể từ ngày 17-1-1960, sau hơn 2 tháng nổi dậy, nhân dân Bến Tre đã giải phóng và làm chủ hầu hết vùng nông thôn, lực lượng ta lớn mạnh gấp 20 lần trước Đồng khởi, khiến cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Ngô Đình Diệm lo lắng nhận định: “Cái ung nhọt Kiến Hòa rất nguy hiểm, nếu không loại trừ ngay thì sẽ sụp đổ chế độ”.

Ngày 25-3-1960, Diệm cho mở chiến dịch gọi là “Bình trị Kiến Hòa”. Địch  đã đưa hàng ngàn quân hỗn hợp, kể cả lực lượng chủ lực như Thủy quân lục chiến, lính dù, biệt kích, có pháo binh, xe tăng, tàu chiến và máy bay tham chiến, tổng cộng trên dưới 10 ngàn quân, do Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ huy, bao vây 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh nhằm tiêu diệt “Bộ chỉ huy của Việt cộng gây ra bạo loạn đang ẩn náu ở đây”.

Càn quét lần này, chúng đi đến đâu là bắn giết, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ và cướp bóc thẳng tay đến đó. Mới 3 ngày đầu, chúng đã tra tấn, bắn chết 81 người. Rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh trực diện thắng lợi vào ngày 27-2-1960, Tỉnh ủy chỉ đạo Huyện ủy Mỏ Cày phát động nhân dân các xã vừa đấu tranh tại chỗ, chống địch đánh đập, bắn giết, hãm hiếp, cướp bóc vừa tranh thủ bọn binh lính có thái độ lưng chừng, không đồng tình với bọn ác ôn, phân hóa địch tại chỗ. Đồng thời, âm thầm vận động nhân dân thực hiện một cuộc đấu tranh chính trị trực diện với quy mô to lớn, kéo dài với danh nghĩa “tản cư” gây sức ép, đòi địch phải rút quân.

Sáng ngày 1-4-1960, hàng ngàn đồng bào, hàng trăm ghe xuồng theo các ngã sông lớp bơi, lớp chèo, vượt qua các điểm đóng quân của địch làm cuộc “tản cư ngược” như nước lũ tràn về thị trấn Mỏ Cày. Đến các bến chợ, bà con tràn lên nằm la liệt ở nhà lồng chợ, vỉa hè, trường học sát dinh quận… 4 ngày sau, lực lượng dự bị kéo thêm lên càng đông hơn, cao điểm có ngày trên dưới 10 ngàn người có mặt tại thị trấn.        

Tên Quận trưởng phải trực tiếp ra gặp và xuống nước năn nỉ bà con về. Bà con tố cáo tội ác man rợ của bọn lính đang càn quét và viện cớ phải ở lại để được sự chở che của Quận trưởng. Bà con một mực khăng khăng đòi bọn Thủy quân lục chiến phải rút quân mới dám về. Tên Đại tá Nguyễn Văn Y đã phải thốt lên: “Tôi sợ mấy bà đội quân đầu tóc này quá!”

Trong thời gian này, tại các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh, lực lượng vũ trang ta lúc ẩn lúc hiện, bất kể ngày đêm bắn phá, quấy nhiễu các điểm đóng quân, gây cho địch nhiều thương vong. Bọn trực tiếp chỉ huy chiến dịch chán nản báo cáo láo với Bộ Quốc phòng ngụy là: Chiến dịch hoàn thành, đã quét sạch bọn Cộng sản tại ba xã và xin rút quân. Ngày 12-4-1960, địch ra lệnh rút quân khỏi 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh.

Từ ngọn lửa Đồng khởi thần kỳ 17-1-1960, sự ra đời của “Đội quân tóc dài” vào mùa Xuân năm 1960, phương châm đánh địch “Hai chân” kết hợp “Ba mũi” của tỉnh đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, “Đội quân tóc dài” đã trở thành một lực lượng đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ “thành đồng” và “ba mũi” giáp công đã trở thành phương pháp đánh địch hữu hiệu, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975.

Đã 62 mùa xuân đi qua kể từ cuộc Đồng khởi long trời lở đất mùa Xuân năm 1960. Năm nay, đất nước đón mừng xuân mới trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra ngày càng phức tạp, tổn thất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và nền kinh tế của cả nước. Nhân dân ta hãy đoàn kết vững lòng tin theo Đảng, phát huy truyền thống năm xưa, kiên trì mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội cho người dân tỉnh nhà.

Với tinh thần “Đồng khởi mới”, nhất định nhân dân ta sẽ vượt qua khó khăn, giành thắng lợi!

Vũ Hồng Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN