“Đồ la” Mùa Tết

03/02/2013 - 14:19
Mua sắm mùng, mền, khăn ấm cho ngày Tết, tại chợ Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam).

"Đồ la” còn được gọi bằng nhiều từ khác như đồ xổ, hàng xổ, hàng la… “Đồ la” không được bày bán cố định mà luôn được di chuyển từ chợ xã này sang chợ xã khác để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn quanh năm. Tuy nhiên, “đồ la” tập trung xôm tụ cùng với những tiếng rao mời rôm rả nhất là vào một, hai tháng trước Tết Nguyên đán.

Mua sắm “đồ la” - đỡ phải đi xa

Nhắc đến “đồ la”, nhiều người quen nghĩ rằng đây là những mặt hàng có giá bình dân, phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp vùng nông thôn chứ chưa nói đến chất lượng. “Đồ la” rất đa dạng từ mặt hàng quần áo, giày dép, mùng mền đến các mặt hàng gia dụng có giá tiền từ vài ngàn đến vài chục ngàn và cao lắm cũng chỉ đến một, hai trăm ngàn. Những tháng trước Tết là mùa chạy chợ ráo riết của những người bán “đồ la”.

Ở tỉnh ta, hầu như ở huyện nào cũng có một nhóm khoảng vài ba chục người sống nhờ vào nghề bán dạo tại các chợ xã. Họ liên tục thay đổi điểm bán để mong bán được nhiều hàng hóa hơn. Về chợ xã Hòa Lợi (Thạnh Phú) khoảng 2 tháng trước Tết, hầu như phiên chợ sáng nào cũng có hai đến ba người chuyển hàng từ nơi khác đến bán, như áo quần, giày dép, mền, mùng, chiếu, gối, xoong, nồi, chén, muỗng, hoa trang trí… Chỉ cần 20 đến 50 ngàn đồng, người dân có thể mua được 1 đôi dép hoặc 1 chiếc áo mới cho mình trong mấy ngày Tết. Phần đông người dân vẫn thích mua hàng theo kiểu bán 10.000 đồng 3 món hoặc 100.000 đồng 3 món. Một chiếc mùng, chiếc mền hay chiếc nệm mới cũng có giá rất mềm từ 100 đến 200 ngàn đồng. Một cái lợi nữa là mua đồ ở chợ xã sẽ khỏi phải đi xa. Ở chợ quê vẫn còn thói quen mặc cả, kỳ kèo giữa người mua và người bán. Chợ quê những ngày giáp Tết vì vậy cũng nhộn nhịp hẳn lên.

Tết vui vì được… bận rộn

Trong số các chợ xã của huyện Mỏ Cày Nam, Hương Mỹ được cho là một trong các chợ quê có không khí mua bán sôi nổi. Vì thế, đây cũng là điểm đến thường xuyên và đông đúc của giới bán “đồ la”.

Một người bán “đồ la” tại chợ Hương Mỹ vui vẻ tự giới thiệu: Gọi tôi là “Phú bán dép”, trong nghề ai cũng biết. Hàng hóa của anh hầu hết đều có chất lượng loại khá trở lên. Nhưng giá chỉ dao động từ 20 đến 70 ngàn đồng. Vừa rao mời và bán dép cho khách, anh Phú vừa giải thích: Bán giá rẻ để bà con dễ mua. Sống hòa nhập với người dân nên mình biết khả năng mua sắm của bà con. Nếu so với Chợ Đêm hay các điểm bán giày dép tại chợ ở TP. Bến Tre thì hàng hóa của anh Phú có chất lượng tương đương, nhưng có giá mềm hơn rất nhiều. Anh Phú cho biết thêm, mình phải lên chợ Đầu Mối TP. Hồ Chí Minh lấy hàng để có giá rẻ hơn so với lấy hàng qua nhiều trung gian. Mua được hàng giá gốc, anh dễ bán lại với giá cả phải chăng.

Phần lớn những người đến với nghề này đều có vợ hoặc chồng cũng theo nghề bán rong ruổi các chợ xã. Làm chung nghề sẽ thuận lợi, dễ hỗ trợ nhau hơn và cả hai dễ dàng thông cảm. “Nghề này cực vì phải bắt đầu ngày mới từ lúc 3 giờ sáng để dọn hàng ra chợ. Nhưng vui vì được gặp các anh em trong nghề và tiếp xúc với nhiều người mỗi ngày. Đi chợ còn… ghiền huống chi đi bán ở chợ” - anh Phú nói. 

Nếu bán “đồ la” là nghề chính để mưu sinh như của vợ chồng trẻ “Phú bán dép”, thì với ông X. bán quần áo tại chợ Hương Mỹ (quê xã Tân Phong) đây là công việc tạm thời của người đang lỡ vận trên bước đường làm ăn. Ông cho biết, trước đây ông làm nghề buôn vải với quy mô lớn nhưng do buôn bán gặp khó khăn, vốn liếng thâm hụt, nên ông phải chọn công việc này. Theo ông, bán “đồ la” thì không cần phải đầu tư nhiều nhưng vất vả, lại còn bị không ít người xem thường, tiền lời kiếm được chỉ đủ sống.

Công việc nào cũng có những vui buồn. Song, điều mà những người làm nghề “chạy chợ” hài lòng nhất là sự gắn bó, đoàn kết và luôn biết chia sẻ giữa những người trong nghề. Họ luôn tìm cách để kết nối liên lạc, thắt chặt tình cảm với nhau như điện thoại, tổ chức họp mặt hàng tháng. Vì thế, chỉ cần nói tên ai đó gắn với món hàng của họ thì những người cùng nghề sẽ nhận ra ngay đây là bạn hàng “la” của mình. Chính lối sống và làm việc mang tính cộng đồng, gắn bó và trách nhiệm đã giúp họ thêm gần nhau và cùng vượt lên hoàn cảnh khó khăn để có đời sống vật chất, tinh thần ngày một khá hơn.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN