Các đại biểu tham dự mít-tinh đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Con số đáng báo động
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Lê Văn Hoàng kêu gọi gần 1.000 đại biểu đại diện lực lượng các đơn vị, đặc biệt là đại diện gia đình các nạn nhân không may qua đời hoặc bị thương do TNGT gây nên bởi những lái xe vi phạm nồng độ cồn có mặt tại buổi mít-tinh, thể hiện quyết tâm đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền TP. Bến Tre và các địa phương, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi những nỗi đau do TNGT gây nên.
Liên tục từ năm 2012 đến nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, TNGT đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Từ mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết vì TNGT, đến năm 2018, con số này giảm còn 8.248 người. Kết quả này được sự ghi nhận của người dân và bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng trật tự, an toàn, hình ảnh Việt Nam ngày càng thân thiện hơn đối với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, những kết quả trên không cho phép chúng ta quên rằng, mỗi ngày TNGT vẫn cướp đi 21 sinh mạng và làm gần 40 người bị thương tật vĩnh viễn, mang đến những nỗi đau không gì bù đắp cho gia đình, người thân và cộng đồng. Đặc biệt, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT do lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra, điển hình là 2 vụ TNGT ngày 22-4 và 1-5-2019 tại Hà Nội, đã cướp đi 3 người mẹ, khiến cho 5 cháu nhỏ đang hạnh phúc, ấm êm trong vòng tay mẹ bỗng trở nên bất hạnh, côi cút, vĩnh viễn không còn mẹ!
Riêng trên địa bàn tỉnh, tình hình TNGT trong những năm qua diễn biến phức tạp. Năm 2018 có 66 vụ TNGT, làm chết 72 người. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2019 có 8 vụ TNGT, làm chết 8 người, tất cả đều do người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có uống rượu, bia.
Phạt tù nếu gây chết người
Từ nhiều năm nay, pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện cơ giới khi trong cơ thể có nồng độ cồn vượt mức cho phép, đặc biệt là lái xe ô tô. Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người lái xe bị xử phạt do vi phạm nồng độ cồn. Vi phạm chưa gây ra tai nạn thì phạt tiền, đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 6 tháng; phạt tù tối đa là 15 năm nếu gây ra TNGT làm bị thương nặng hoặc chết người.
Tuy nhiên, chúng ta đã và đang phải chứng kiến hàng ngày, hàng giờ những chiếc “xe điên” do người say xỉn điều khiển, phóng điên cuồng trên đường phố, gây nên những cái chết đau thương, mang bất hạnh đến biết bao gia đình. Rõ ràng, những gì chúng ta đã biết, đã làm, đang làm là chưa đủ!
Thay mặt Ban ATGT tỉnh, ông Lê Văn Hoàng kêu gọi: Mỗi người hãy cùng thực hiện một hành động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Cương quyết không uống rượu, bia nếu bạn là người phải lái xe sau bữa ăn. Không mời, không ép bạn bè, người thân uống rượu, bia nếu biết rằng họ phải lái xe sau bữa ăn. Vì cuộc sống an toàn, hạnh phúc của nhân dân, đề nghị các lực lượng chức năng tập trung tuần tra, cương quyết ngăn chặn và xử phạt những người lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn.
“Việc Cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn không để người đã uống rượu, bia lái xe, xử lý những người lái xe vi phạm chính là hành động nhân văn để bảo vệ sự an toàn của chính người đó và cộng đồng. đó chính là một bài học quý, giúp họ không vi phạm và không gây ra TNGT trong tương lai. Hãy cùng nhau thực hiện hành động “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, ông Lê Văn Hoàng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Hữu Hiệp