20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, bài 1:

“Bệ đỡ” cho hộ nghèo vươn lên

17/08/2022 - 05:45

BDK - Cùng với sự phát triển chung, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, thu nhập ngày càng nâng cao, Dù vậy, vẫn còn một bộ phận người dân khó khăn, thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Vốn vay từ chính sách tín dụng ưu đãi vừa giúp hộ nghèo có phương tiện mưu sinh, vừa là “bệ đỡ” tinh thần cho họ, để có thể bước tiếp vươn lên làm chủ cuộc sống.

Chăm sóc đàn bò mỗi ngày đem lại niềm vui cho chị Nguyễn Thị Ổi, xã Mỹ Thạnh. 

Vươn lên thoát nghèo

Huyện Ba Tri là nơi có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Thị Ổi, 54 tuổi, ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Thạnh. Chồng chị Ổi bệnh nặng, cơn bệnh hoành hành anh 3,5 năm, bao nhiêu tài sản trong nhà đều bán dần để trị bệnh cho anh. Chồng chị Ổi không qua khỏi và mất cách đây 4 năm. Nhắc đến biến cố lớn trong đời, chị Ổi không cầm được nước mắt: “Giờ tôi sống trơ trọi trong căn nhà, lấy công việc hàng ngày làm niềm vui. Mục tiêu sống hiện tại là làm kinh tế, có tiền sửa nhà, lo cho 2 con”.

Công việc hàng ngày đã giúp chị Ổi tạm quên đi sự hiu quạnh khi chồng mất, các con đi làm xa. Năm 2019, chị Ổi vay vốn 100 triệu đồng mua bò nuôi, lãi suất thấp chỉ có 8,25%/năm. Nhờ vậy chỉ trong vài năm, chị thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Ổi tâm sự: “Nỗi buồn mất đi người thân khiến tôi khóc hoài. Tôi mất ngủ hàng đêm trong nhiều năm. Mỗi ngày tôi thức dậy là vì có đàn bò cần chăm sóc...”.

Từ 4 giờ sáng, chị Ổi dọn chuồng bò với 7 con. Chị đi qua xã Tân Xuân cắt cỏ. 7 giờ sáng, chị lái chiếc xe máy cọc cạch chở 5 bó cỏ to về cho bò ăn. Thời gian còn lại trong ngày, chị Ổi hốt phân bò phơi, thu mua ve chai, ai mướn gì làm nấy như dọn dẹp nhà cửa, mần cỏ mướn... Một ngày của chị kết thúc vào khoảng 20 giờ tối.

Nhận xét về việc trả vốn vay của chị Ổi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Thạnh Mai Thị Quế cho biết: “Chị Ổi là người phụ nữ chịu khó làm ăn, có tinh thần vươn lên. Chị luôn trả lãi đúng hạn. Bán được con bò nào là chị đem tiền trả bớt nợ gốc ngay. Nhờ đó, chị nhanh chóng trả hết nợ vay. Bên cạnh đó, chị Ổi rất nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng tại địa phương”. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Ổi đang tiếp tục vay chương trình (CT) dành cho hộ thoát nghèo để nuôi bò. Chị Ổi là 1 trong 9 cá nhân hộ vay tại tỉnh vừa được Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tặng giấy khen hộ gia đình vay vốn tiêu biểu trong cả nước.

Nhìn lại quá trình 20 năm thực hiện CT chính sách tín dụng, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực mang tính nhân văn. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ: “Chúng tôi đã tìm hiểu nguyên nhân khó khăn của chị em phụ nữ và tìm cách hỗ trợ họ, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Những phụ nữ nghèo họ thiếu thốn về nhiều chiều (hộ nghèo đa chiều) như: chiều về kinh tế và thiếu cập nhật kiến thức việc làm, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhờ vốn chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ lãi suất ưu đãi kịp thời đưa đến cho phụ nữ nghèo, động viên tinh thần chị em vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ đã phát huy được thế mạnh của mình, sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Những chiều thiếu hụt của phụ nữ dần được bổ sung, lấp đầy”.

Phương thức cho vay

Tỉnh có 17.073 hộ nghèo, chiếm 4,26% dân số trong toàn tỉnh và 17.011 hộ cận nghèo, chiếm 4,25%. Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 4 huyện, với 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, giai đoạn 2021 - 2025. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện nhiều CT phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống của hộ nghèo và đối tượng chính sách, góp phần ổn định trật tự xã hội. Tỉnh đã công nhận 2 đơn vị cấp huyện và 80 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh được thành lập vào năm 2003, với nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4-10-2002 của Chính phủ, góp phần thực hiện tốt các CT mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đa chiều bền vững, về việc làm, về đảm bảo an sinh xã hội và về xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng CSXH thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) như Hội LHPN, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh... Trong đó, Ngân hàng CSXH phát tiền vay và thu nợ gốc trực tiếp khách hàng vay vốn. Các tổ chức CT-XH nhận ủy thác thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tự nguyện tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn để thụ hưởng các CT tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Các tổ chức CT-XH tổ chức thành lập, quản lý và kiểm tra hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, tham gia bình xét cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay.

Thông qua hoạt động tín dụng ủy thác, các tổ chức CT-XH có điều kiện và thêm nguồn kinh phí hoạt động để tập hợp lực lượng, thu hút hội viên, hoạt động phong trào được nâng cao cả về số lượng, chất lượng, giúp người nghèo có điều kiện được sinh hoạt tại các tổ chức CT-XH. Qua đó, được tiếp cận với nhiều hoạt động lồng ghép như hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí.

Đến ngày 30-6-2022, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã thực hiện cho vay 14 CT tín dụng chính sách, tăng 11 CT so với trước đây. Nổi bật, CT cho vay hộ nghèo, CT cho vay hộ cận nghèo, CT tín dụng hộ mới thoát nghèo, CT cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, CT cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, CT cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Mới đây nhất, có thêm CT cho vay học sinh, sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến, CT cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, CT cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Vốn vay từ chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh không chỉ giúp người nghèo có phương tiện, phương kế mưu sinh, mà còn là “bệ đỡ” tinh thần cho nhiều người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn tìm được nguồn lực cần thiết để vươn lên làm chủ cuộc sống.

Kết quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách do Hội LHPN tỉnh nhận ủy thác: Năm 2004 là năm đầu tiên, hội thực hiện CT ủy thác với dư nợ 28,9 tỷ đồng, có 6.810 hộ vay. Từ đó đến nay, kết quả nhận ủy thác của các cấp hội năm sau luôn cao hơn năm trước. Tính đến ngày 31-5-2022, có 100% cơ sở xã, phường, thị trấn đã ký hợp đồng ủy thác, hợp đồng ủy nhiệm với Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ lên đến 1.336.502 tỷ đồng, 1.203 tổ tiết kiệm và vay vốn với 45.559 hộ vay, nợ quá hạn 0,22%.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN