“Bác sĩ... giày”

25/01/2013 - 07:57
Một thợ sửa giày (phường 2 - TP. Bến Tre).

Có những đôi chân khiếm khuyết hay vì lý do nào đó dẫn đến rất kén “bạn đường” là giày, dép. Hay vì đôi giày, dép nào đó mắc phải một lỗi nhỏ nên sẽ “phụ lòng” người ưu ái, hoặc giày rách bởi từng trải đường dài gian nan… Không cần lo, tất cả bệnh đã có “bác sĩ” ra tay, chữa trị cho giày để giúp cho những bạn đường tiếp tục gắn bó bên nhau.

Để trở thành một thợ… giỏi

Thợ sửa chữa giày dép ở Bến Tre muốn gắn bó lâu với nghề đã khó, còn việc gầy dựng tên tuổi, uy tín thì còn khó hơn. Bởi một thợ sửa giày giỏi không thể thiếu cái tâm, cái tài, tình yêu nghề và còn là lòng tự trọng.

Muốn trở thành thợ sửa giày, trước hết, người đó phải học thành thạo nghề làm giày, dép. “Vì có giỏi mới có thể biết cách hoặc mẹo chữa trị các bệnh “ngặt” cho giày” - anh ReNault, một thợ sửa giày, dép lừng danh ở TP. Bến Tre nói. Các bệnh thường gặp của giày như há mỏ, sứt quai, đứt chỉ. Có những đôi giày mới toanh chưa dính bụi đường cũng cần phải đến gặp “bác sĩ” để được tư vấn một số mẹo vặt để có thể sử dụng lâu bền. Đối với đôi giày hơi lỏng chân dẫn đến tuột gót mà người bán không còn các cỡ (size) cùng mẫu cho khách lựa chọn hay vì chỉ có cái dây quai là khách chưa ưng ý, thợ giày sẽ trông qua đôi chân của khách để biết nên chêm giấy vào giày, phải gắn dây quai mới hay cắt ngắn bớt để đôi giày trở thành một bạn đường vừa ý nhất cho đôi chân của khách.

Có những đôi giày, dép mặc dù là hàng hiệu, thoạt nhìn vào như thể rất chắc chắn nhưng nếu không may lại bằng loại chỉ tốt sẽ rất dễ hư hỏng do bong tróc keo dính qua một thời gian ngắn sử dụng. Do vậy, việc may giày và sửa dây quai là phổ biến. Có đôi được tính phí may gần bằng 50% so với giá tiền mua đôi giày mới. Song, người sử dụng nó vẫn chấp nhận điều này vì nếu may sẽ yên tâm về độ an toàn và có thể dùng được lâu hơn rất nhiều.

May chân đế, đặc biệt là chân đế giày tây là một trong những thao tác “đắng” nhất của thợ nhưng lại có thể làm nên tên tuổi, uy tín cho thợ may giày. Để bảo vệ đôi chân, nên chân đế giày bao giờ cũng rất cứng và khó may. Đây là việc đòi hỏi phải học, có kỹ thuật, khéo tay và làm hao tốn nhiều công sức của thợ. Công cụ may là một loại kim dài và to hơn so với các cỡ kim thông thường. Anh Renault cho biết, rủi ro để kim may đâm vào tay, móc kim vướng vào thịt, người may giày phải nhập viện để làm phẫu thuật mới có thể lấy kim ra. Nếu gặp phải thợ may giày xuề xòa, thiếu bước, dùng chỉ kém chất lượng, giày sẽ mau bị hỏng, sứt đường chỉ. Để thực hiện đủ các bước may, đúng kỹ thuật, siết chỉ chặt và đường chỉ may đẹp, thợ phải tập trung cao hơn một giờ đồng hồ mới có thể may xong một đôi giày.

Thạc sĩ cũng thích… đánh giày

Cửa hiệu sửa chữa giày, dép của anh ReNault luôn đông khách. Khách đến sửa có đủ mọi thành phần, song phần đông là giới “chân giày, chân dép”, từ những anh chàng lịch lãm, uy nghiêm đến những cô nàng xinh xắn, yểu điệu hay những bậc tiền bối khó tính. Để xử lý kịp lượng lớn giày dép mỗi ngày, anh Renault huy động cả “lính ruột” của mình từ hơn hai mươi năm nay là cô vợ làm giáo viên và có học vị thạc sĩ.

Ngoài giờ đứng lớp ở trường, chị về ngồi cặm cụi sửa giày theo lời dặn dò của chồng. Vừa đánh giày cho khách, chị vừa tâm sự: Sở dĩ mình cũng phải ra tiệm phụ làm với ông xã là vì mấy người học nghề đã “chạy” cả rồi. Nghề này thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng rất vất vả. Vì vậy, mặc dù đến học nghề nhưng người học vẫn được trả thêm tiền công 200.000 đồng/ngày. Thế nhưng có ít ai gắn bó được lâu. Thường, họ vào học chưa bao lâu rồi lại bỏ nghề với những cái lắc đầu, nhăn nhó. Chị cười: Muốn làm ra tiền không phải dễ, nghề sửa giày cũng phải dày công, kiên nhẫn.

Có lẽ ít ai ngờ rằng chị vợ của một thợ sửa giày là một thạc sĩ tay quen cầm phấn, bút, quen làm việc trí óc. Buông những vật ấy ra, chị lại quay sang cầm giày để sửa cho khách. Ở trường, chị là một giáo viên nghiêm nghị, thậm chí là một cô giáo khó tính trước học sinh và là một tấm gương tiêu biểu về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Về nhà, chị là một người mẹ, người vợ đảm đang, luôn biết thắp lửa sưởi ấm cho gia đình, phụ giúp chồng làm việc tại cửa hiệu sửa giày nhỏ ở TP. Bến Tre. Con gái của anh chị đã lớn và đang theo học đại học ở TP. Hồ Chí Minh.

Cuộc sống quanh ta có biết bao điều thú vị. Trong đó, hình ảnh của những người thợ sửa giày như đôi vợ chồng nêu trên cùng với những công việc đời thường, dung dị là không thể thiếu để chúng ta viết nên những mẩu chuyện đẹp. 

Bài, ảnh: CẨM TRÚC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN