Ðảm bảo cung cấp nước ngọt mùa hạn mặn

27/12/2019 - 08:18

BDK - Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, trong những tháng tiếp theo mùa khô 2019 - 2020, dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong về đồng bằng có khả năng ở mức thấp kỷ lục. Trong đó, tỉnh được dự báo sẽ gặp khó khăn về nguồn nước ngọt ngay từ tháng 1-2020. Để đảm bảo cung cấp nước cho người dân, các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh đã lên phương án để đảm bảo cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho các hộ dân.

Kiểm tra độ mặn nước Nhà máy nước An Định (Mỏ Cày Nam) cấp tại hộ dân. Ảnh: Phan Hân

Thêm nguồn cung cấp nước ngọt

Từ khi tình hình mặn xâm nhập xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) tỉnh đã đưa vào vận hành công trình đưa nước từ Nhà máy nước (NMN) Thành Thới A (trên nhánh sông Cổ Chiên) về An Ðịnh (Mỏ Cày Nam) để cung cấp nước ngọt cho người dân trên địa bàn xã An Ðịnh. Công trình đi vào hoạt động từ cuối tháng 11-2019. Ðây là niềm vui rất lớn của người dân địa phương.

Bà Nguyễn Thị Lệ, ấp Phú Ðông 2, xã An Ðịnh phấn khởi cho biết: “Khi NMN cung cấp nước ngọt xài thoải mái, bà con ở đây rất mừng vì phục vụ tốt cho việc sản xuất, chăn nuôi. Nếu không có nước ngọt thì gia đình phải đổi nước ngọt nhưng khả năng không đảm bảo cả mùa khô”.

Gia đình bà Trịnh Thị Hường ở gần đó, hễ đến mùa nước mặn phải đổi nước ngọt về sử dụng làm đậu hũ. Khi nghe NMN nước An Ðịnh có cung cấp nước sạch - ngọt, bà Hường đang xin hợp đồng vô cây nước phục vụ nấu ăn - uống và sản xuất đậu hủ trong gia đình. “Chất lượng nước NMN An Ðịnh có qua hệ thống lọc RO, 100% trong - sạch. Sử dụng nước an tâm hơn”, bà Hường cho hay.

Dịch vụ chuyển nước RO từ Nhà máy nước An Định đến các hộ dân có nhu cầu.

NMN An Ðịnh mỗi ngày cấp 20 - 30m3 đã qua hệ thống RO và 1.200  - 1.300m3 nước ngọt vận chuyền từ NMN Thành Thới A. Mức giá không đổi, trên 8 ngàn đồng/m3. Chỉ trong tháng 12-2019, có trên 25 hộ đăng ký vô nước, đơn vị đã tiến hành lắp. Trưởng Khu vực cấp thoát nước huyện Mỏ Cày Nam Nguyễn Văn Nhân cho biết: Hiện nay, nước mặn xâm nhập rất nhiều và độ mặn cao, TTNS&VSMTNT Bến Tre chỉ đạo NMN của Thành Thới A chuyển nước bên sông Cổ Chiên qua sông Hàm Luông để giảm thiểu tác động độ mặn phía bên sông Hàm Luông. Nhờ đó, NMN An Ðịnh có nguồn nước với độ mặn 0,4‰ (so nước sông tại xã An Ðịnh 4,5‰) để cung cấp cho người dân. Ngoài ra, tại NMN có hệ thống lọc nước RO, cấp 3 ngày/tuần (thứ 3, 5, 7). Khi độ mặn tăng, NMN An Ðịnh sẽ vận hành liên tục 24/7 và bố trí lực lượng để trực xuyên suốt, chuẩn bị vật tư để phục vụ cho người dân có nước ngọt sinh hoạt hàng ngày.

Các phương án triển khai

Toàn tỉnh có tổng cộng 68 công trình cấp nước tập trung, nguồn nước cung cấp cho các công trình xử lý hầu hết đều dùng nước mặt từ hệ thống sông rạch tự nhiên trong tỉnh nên đều bị ảnh hưởng bởi mặn. Tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo cho ngành có liên quan, trong đó có TTNS&VSMTNT Bến Tre ứng phó hạn mặn. Trong 35/68 NMN đang được TTNS&VSMTNT Bến Tre quản lý và vận hành, ở vùng Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị tác động mạnh bởi nước mặn xâm nhập. Các vùng còn lại như: Châu Thành, Thạnh Phú tác động rất nhẹ. Từ tháng 8-2019, TTNS&VSMTNT Bến Tre đã chuẩn bị các giải pháp để ứng phó hạn mặn trong mùa khô năm 2019.

Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý khai thác, TTNS&VSMTNT Bến Tre Vũ Ðình Trác cho hay, tại các vùng ảnh hưởng hạn mặn nặng, trung tâm thực hiện kết nối đưa nguồn nước từ nơi có độ mặn thấp <3‰ tới nơi có độ mặn cao/rất cao 8 - 10‰  nhằm giảm thiểu tác động của hạn mặn đến sinh hoạt của  người dân. Cụ thể, trung tâm vận hành 2 NMN Thành Thới A và NMN Ngãi Ðăng lấy nước từ Sông Cổ Chiên nơi độ mặn thấp < 3‰ để bổ cấp NMN An Ðịnh, NMN Tân Trung huyện Mỏ Cày Nam nơi chịu tác động từ Sông Hàm Luông có độ mặn > 8 - 10‰, phục vụ 7.000 người thuộc địa bàn 3 xã An Ðịnh, Tân Trung, Minh Ðức.

Vận hành trạm bơm nước từ hồ nước ngọt Ba Lai cho NMN Châu Bình trực thuộc trung tâm xử lý, cung cấp nước ngọt cho 14.000 người, địa bàn 4 xã Châu Bình, Châu Hòa, Phong Nẫm, Phong Mỹ (Giồng Trôm). Ðưa vào vận hành công trình nâng công suất NMN Thạnh Phú từ 230m3/giờ lên 340m3/giờ (8.160m3/ngày/đêm); vận hành trạm bơm tăng áp 20m3/giờ tại xã Giao Thạnh để tăng cường đưa nước về xã biển Thạnh Phong, Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã thực hiện mở rộng 65km đường ống, góp phần giúp 7.200 hộ được trữ nguồn nước ngọt sử dụng trước khi mùa hạn, mặn xảy ra. Ðã đưa vào vận hành 2 công trình nâng công suất NMN Phú Ðức từ 50 - 160m3/h (3.840m3/ngày/đêm) và NMN An Phú Trung từ 100 - 210m3/h (5.040m3/ngày/đêm), dự kiến hoàn thành vận hành ổn định vào đầu tháng 1-2020. 

Bên cạnh đó, các hệ thống lọc mặn RO trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đã hoạt động và hoạt động hết công suất để cung cấp nước cho người dân. Trong cao điểm mùa khô, khi mà lượng nước dự trữ trong dân giảm hoặc hết thì các hệ thống RO trong toàn tỉnh sẽ hoạt động hết công suất 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân trên phạm vi phục vụ của hệ thống RO.

“Ðể giải quyết dứt điểm vấn đề mặn kéo dài thì đòi hỏi đồng bộ rất nhiều giải pháp và sự hỗ trợ từ phía trung ương. Trước mắt, trung tâm sẽ vận hành hết công suất hiện có để giúp người dân tăng lượng nước dự trữ đảm bảo đủ sử dụng trong mùa khô năm nay”, ông Vũ Ðình Trác cho hay.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm, Trung ương quan tâm hỗ trợ trong triển khai các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh, giúp địa phương từng bước hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, kịp thời ngăn mặn trữ ngọt. Từ đó, tạo nguồn nước ngọt cấp cho người dân sử dụng trong sinh hoạt cũng như sản xuất; đồng thời cho các NMN xử lý góp phần ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn mỗi khi mùa khô đến.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN